Ngày 10/2, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM Bùi Tá Hoàng Vũ ký ban hành quyết định Kiểm tra việc chấp hành pháp luật về kinh doanh xăng dầu ở TP.HCM.
Theo đó, sẽ có 18 đơn vị bị thanh tra đợt này. Thời gian từ 16/2 đến hết 31/5.
Thời kỳ thanh tra từ 1/1/2021 đến thời điểm kiểm tra, bao gồm cả nội dung phát sinh có liên quan trong thời kỳ trên (nếu cần thiết).
Đoàn sẽ kiểm tra trong 7 ngày làm việc kể từ ngày công bố quyết định.
Trưởng đoàn là ông Lê Hoàng Hải, Phó chánh Thanh tra Sở Công Thương, cùng 9 thành viên khác là thanh tra viên, đại diện Phòng Quản lý Thương mại Sở Công Thương, đại diện Cục Quản lý thị trường TP.HCM, đại diện Công an TP.HCM.
Giá xăng dầu trong nước đang thấp hơn nhiều so với giá thế giới bởi kỳ điều chỉnh vừa qua phải tạm hoãn do rơi vào kỳ nghỉ Tết. Ảnh: Phương Lâm. |
Nội dung kiểm tra gồm: Hồ sơ pháp lý về điều kiện trong hoạt động kinh doanh xăng dầu của các đơn vị; hoạt động thực tế tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu...
Nếu phát hiện vi phạm trong quá trình kiểm tra, đoàn sẽ lập biên bản vi phạm hành chính, có quyền niêm phong, thu giữ tài liệu, tang vật vi phạm và đình chỉ các hoạt động trái pháp luật, xử phạt hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền xử lý.
Tại họp báo chiều 10/2, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho biết theo kế hoạch từ đầu năm, Thanh tra Sở Công Thương sẽ tổ chức kiểm tra các hoạt động của ngành từ đầu tháng 3. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của tình hình xăng dầu, Sở sẽ triển khai công tác thanh, kiểm tra sớm hơn kế hoạch.
Những ngày qua, một số tỉnh, thành miền Tây xảy ra tình trạng thiếu xăng. Nguyên nhân là tình hình thị trường xăng dầu trên thế giới có nhiều biến động; nhà máy lọc dầu Nghi Sơn tạm dừng nhập khẩu dầu thô; và việc nghỉ Tết Nhâm Dần ảnh hưởng tới việc điều chỉnh giá xăng dầu khiến doanh nghiệp phải giảm chiết khấu nên tạm ngưng để giảm lỗ.
Tại TP.HCM, tính đến 10/2, trong 548 cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn (chưa tính trạm xăng của quân đội), 7 cửa hàng đã hết xăng RON 95, chỉ còn bán dầu.
Tại cuộc họp về đảm bảo cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước diễn ra mới đây, Phó thủ tướng Lê Văn Thành nhận định việc để một số cửa hàng bán lẻ xăng dầu đóng cửa, không bán hàng tại một số địa phương thuộc trách nhiệm chỉ đạo, điều hành của Bộ Công Thương.
Ông yêu cầu thực hiện thanh tra, kiểm tra ngay với đơn vị liên quan cung ứng, phân phối xăng dầu cũng như các cửa hàng kinh doanh xăng dầu đóng cửa, tạm ngưng hoạt động trong thời gian qua để phát hiện, xử lý nghiêm hành vi găm hàng nhằm trục lợi và vi phạm khác (nếu có).
Bộ Công Thương cần chỉ đạo đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh xăng dầu chi tiết, sát với thực tiễn; cân đối nguồn nhập khẩu và sản xuất trong nước để đảm bảo chủ động, kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả hơn.