Sau khi được Chính phủ xếp vào nhóm địa phương có nguy cơ cao, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm yêu cầu các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 đến hết 22/4. Tuy nhiên, theo ông Liêm, TP.HCM khả năng cao sẽ thực hiện cách ly xã hội đến hết ngày 30/4 như kiến nghị trình Thủ tướng trước đó.
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) dự báo sau khi gỡ bỏ quy định cách ly xã hội, cho phép nhập cảnh trở lại là lúc thành phố có thể sẽ bước vào giai đoạn 3 của dịch bệnh Covid-19.
6 giải pháp cho giai đoạn 3
Theo HCDC, giai đoạn 3 được dự báo sẽ khó khăn hơn nhiều khi dịch bệnh đã có dấu hiệu lây lan trong cộng đồng, thậm chí có trường hợp không rõ nguồn lây, không rõ yếu tố dịch tễ. Những người nhập cảnh trong thời gian tới cũng ẩn chứa nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn giai đoạn trước bởi dịch đã lan tràn khắp các châu lục thay vì một vài quốc gia cụ thể. Ngoài ra, những tháng sắp tới, dịch sốt xuất huyết có nguy cơ bùng phát khi mùa mưa bắt đầu, làm ảnh hưởng đến nguồn lực phòng chống dịch của thành phố.
HCDC nhận định giai đoạn hiện nay là thời gian vàng để củng cố hệ thống phòng chống dịch, chuẩn bị chiến lược chủ động ứng phó.
Người nhập cảnh vào Việt Nam là một nguy cơ lây nhiễm Covid-19 khi gỡ bỏ cách ly xã hội. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM, khuyến cáo một số giải pháp cụ thể cần thực hiện cho giai đoạn 3.
Một, tiếp tục củng cố tổ chức bộ máy phòng chống dịch, nâng cao năng lực các đội phản ứng nhanh của thành phố cũng như quận, huyện. Hai, rà soát, củng cố lại các khu cách ly tập trung. Ba, nâng cao năng lực xét nghiệm Covid-19. Thực hiện các xét nghiệm sàng lọc trên những nhóm nguy cơ như: hành khách sân bay, nhà ga, bến xe, công nhân tại khu lưu trú, trong khu công nghiệp….
Bốn, phối hợp tổ chức, đánh giá mức độ rủi ro lây nhiễm, khuyến cáo và triển khai các giải pháp phòng ngừa ở những khu vực tập trung đông người. Năm, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ các hoạt động phòng chống dịch như: giám sát chuỗi lây nhiễm, quản lý, giám sát cách ly y tế, truy dấu tiếp xúc gần với ca nhiễm...
Sáu, tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp phòng bệnh tại cơ sở khám chữa bệnh như: phân luồng và tổ chức khu vực khám, chẩn đoán cho bệnh nhân có triệu chứng hô hấp; phát hiện sớm các trường hợp nghi nhiễm Covid-19, tổ chức cách ly, điều trị hiệu quả; thực hiện nghiêm quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng ngừa lây nhiễm chéo; đảm bảo hệ thống vận chuyển an toàn bệnh nhân nhiễm và nghi nhiễm.
Không chủ quan dù năng lực cách ly, điều trị lớn
Tính đến hết 19/4, 12 ngày liên tiếp TP.HCM không ghi nhận ca nhiễm mới. 49/54 ca nhiễm đã khỏi bệnh, xuất viện. Số người đang cách ly tập trung là 71 người và số người cách ly tại nơi lưu trú là 197 người.
Trong khi đó, công suất cách ly tập trung hiện tại của thành phố là 12.600 giường và năng lực điều trị đạt 2.300 giường bệnh. Thực tế này cho thấy năng lực cách ly, điều trị của thành phố vẫn còn rất lớn và khả năng kiểm soát dịch ở mức an toàn cao.
Kiểm soát các nguồn lây nguy cơ là giải pháp quan trọng để phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: Việt Linh. |
Để chủ động ứng phó dịch, chuẩn bị cho giai đoạn gỡ bỏ cách ly, thành phố đã yêu cầu từng tổ chức, ngành nghề phải xây dựng bộ chỉ số đánh giá nguy cơ và triển khai các quy tắc ứng xử mới để có thể quay lại sản xuất, kinh doanh, làm việc, học tập...
Các quy định cụ thể cần phải tuân thủ như: Đảm bảo giãn cách tiếp xúc ở từng đơn vị; đảm bảo điều kiện để người dân rửa tay thường xuyên; giám sát thân nhiệt và các triệu chứng bệnh khi đến nơi làm việc; giữ thông thoáng nơi làm việc, thường xuyên vệ sinh khử khuẩn bề mặt thường xuyên tiếp xúc với bàn tay...
"Thực tế hiện nay cho thấy một bộ phận người dân đã tỏ ra chủ quan, không thực hành đúng và đầy đủ các biện pháp phòng bệnh, trong khi nguy cơ lây lan dịch bệnh cao, nhất là khi chúng ta gỡ bỏ quy định giãn cách xã hội. Để chủ động khống chế dịch bệnh, vai trò mỗi tổ chức và cá nhân trong cộng đồng là rất quan trọng", HCDC đưa ra khuyến cáo.
Đồ họa: Nhân Lê, Hoài Thanh. |