- Đến 30/9, các ứng dụng chống dịch vẫn chưa cập nhật đủ và liên thông dữ liệu.
- Bluezone được nâng cấp thành PC-Covid nhưng còn gặp lỗi.
- Người dân ở TP.HCM cần khai báo di chuyển trên VneID và sử dụng thông tin trên app Y Tế HCM, Sổ Sức khỏe điện tử để ra đường sau 30/9 cho đến khi app PC-Covid hoạt động ổn định, tự động đồng bộ dữ liệu với app Y Tế HCM.
- Ứng dụng Sổ Sức khỏe điện tử vẫn được giữ lại cho mục đích lâu dài của toàn dân, không riêng dịch Covid-19.
- Các app chống dịch ở địa phương vẫn hoạt động.
Ngày 30/9, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình cho biết thành phố sẽ không kiểm soát bằng giấy đi đường sau ngày 1/10. Thay vào đó, người dân cần cài ứng dụng VNeID và Y tế HCM. Trong khi đó, đại diện của Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cho biết trong thời gian tới các chức năng của ứng dụng Y tế HCM sẽ được thay thế bằng PC-Covid.
VNeID và Y tế HCM còn vấn đề
Hiện người dùng ứng dụng VNeID có thể đăng ký, cập nhật thông tin cá nhân và nhận mã OTP ổn định. Các tính năng khai báo y tế và di chuyển nội địa hoạt động nhanh chóng. Tuy nhiên, đến sáng 30/9, vẫn còn tình trạng người dân chưa được cập nhật mũi tiêm trên ứng dụng này.
“Ứng dụng không tự cập nhật quá trình tiêm chủng, không có phần để khai báo”, “Đã tiêm mũi một nhưng vẫn chưa cập nhật”, “Đăng kỳ tài khoản gửi mã OTP rất lâu”, “Chức năng quét mã QR chưa hoạt động” là những phản hồi của người dùng về app VNeID từ ngày 27/9 đến nay.
Trong khi đó, ứng dụng Y tế HCM có thể đăng ký tài khoản và gửi mã OTP khá nhanh. Tuy nhiên tương tự VNeID, ứng dụng này vẫn chưa cập nhật đầy đủ thông tin tiêm chủng. Mã QR của ứng dụng này và VNeID cũng chưa được liên kết.
“Tôi đã tiêm vaccine nhưng khi kiểm tra trong cả VNeID và Y tế HCM vẫn chưa được cập nhật. Để chắc ăn, tôi phải chụp giấy chứng nhận tiêm vaccine rồi lưu vào điện thoại”, T.N., người dùng tại TP Thủ Đức, TP.HCM chia sẻ.
VNeID được triển khai từ đầu tháng 9. Trên phiên bản 1.0.3 được cập nhật ngày 28/9, ứng dụng đã bổ sung một số tính năng như quét mã QR để xin cấp giấy đi đường và thẻ xanh di chuyển.
PC-Covid lỗi đăng nhập ngay trong ngày đầu hoạt động
VNeID và Y tế HCM là 2 ứng dụng được TP.HCM sử dụng để khai báo di chuyển, theo dõi lịch sử tiêm vaccine sau ngày 30/9 trong thời gian đồng bộ thông tin lên ứng dụng PC-Covid. Đây là ứng dụng nâng cấp từ Bluezone, bị nhiều người phàn nàn do gặp lỗi liên tục từ sáng 30/9, gồm lỗi mất kết nối hệ thống, không gửi mã QR, đồng bộ quá lâu và chưa cập nhật mũi vaccine.
PC-Covid gặp hiện tượng quá tải, không gửi kịp mã OTP cho người dân đăng nhập sử dụng trong ngày 30/9. |
Trong phần đánh giá của PC-Covid trên kho ứng dụng Play Store, người dùng cho biết thông tin tiêm chủng chưa được cập nhật đầy đủ. “Tôi đã tiêm đủ 2 mũi, ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử đã ghi nhận. Thế nhưng, trên PC-Covid, tôi chỉ mới được chứng nhận tiêm 1 mũi”, tài khoản Bùi Văn Tuấn để lại đánh giá.
Nhiều người dùng cũng phản ánh PC-Covid chưa có đủ tính năng từ các ứng dụng trước, bao gồm quản lý hồ sơ dịch tễ gia đình như Sổ sức khỏe điện tử.
“Nên có phần cập nhật thông tin cho người thân hoặc nút đăng xuất. Nhiều người không có smartphone cần được người thân nhập thông tin hộ”, tài khoản Nguyễn Anh Đức để lại bình luận.
Trong thời gian tới, PC-Covid là ứng dụng thống nhất cho mục đích phòng, chống dịch Covid-19 của người dân. Trong đó, "thẻ Covid-19" là tính năng được quan tâm, thể hiện người sử dụng đã được tiêm chủng hoặc từng khỏi bệnh. Đây sẽ là yêu cầu để người dân có thể ra đường, tham gia các hoạt động trong trạng thái bình thường mới.
Mã QR bên trong ứng dụng cũng là mã cá nhân thống nhất, được sử dụng chung trong các ứng dụng và nền tảng chống dịch.
Ứng dụng PC-Covid nằm trong kế hoạch triển khai ứng dụng phòng chống dịch Covid-19 thống nhất cho người dân. App do Bkav, Viettel và VNPT hợp tác phát triển, Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia vận hành. Các cơ quan chủ trì gồm Bộ Y tế, Bộ Công an và Bộ Thông tin & Truyền thông.
Các app chống dịch cũ ra sao sau khi có PC-Covid?
Trong thời gian tới, PC-Covid là ứng dụng thống nhất cho mục đích phòng, chống dịch Covid-19. Những chức năng của các ứng dụng đã ra đời trước đó sẽ được tích hợp trên app mới này. Nhiều ứng dụng còn lại có thể phục vụ cho mục đích khác.
Cụ thể, ứng dụng Bluezone được cập nhật lên thành PC-Covid trong phiên bản mới nhất. Mã QR trong ứng dụng VNeID của Bộ Công an tương ứng với mã trong PC-Covid. Các chức năng khai báo y tế, hiển thị thông tin tiêm chủng, F0 khỏi bệnh của Sổ sức khỏe điện tử hay Y tế HCM cũng được tích hợp vào PC-Covid.
Theo đại diện Trung tâm Công nghệ phòng, chống Covid-19 Quốc gia, các ứng dụng phòng, chống dịch do địa phương triển khai vẫn tiếp tục hoạt động.
Các chức năng công nghệ phòng chống dịch sẽ tự động cập nhật vào trong app PC-Covid. Ảnh: Xuân Sang. |
Theo Bộ TT&TT, đơn vị đã chủ động phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công an để người dân chỉ cần một app duy nhất cho phòng, chống dịch, không cần tải thêm.
Đối với ứng dụng Y tế HCM, đại diện Sở TT&TT TP.HCM cho biết các chức năng sẽ dần được tích hợp với PC-Covid. Sau giai đoạn chuyển tiếp, Y tế HCM sẽ trở thành một tiện ích bên trong ứng dụng PC-Covid.
Trong buổi họp báo sáng 30/9, bà Võ Thị Trung Trinh, Phó giám đốc Sở TT&TT TP.HCM cũng cho biết dữ liệu và thông tin khai báo của người dân nhập vào app Y tế HCM sẽ được tự động đồng bộ với PC-Covid nếu người dân vẫn dùng đúng thông tin cá nhân, số điện thoại đã sử dụng trước đó.
Trong buổi chia sẻ với báo chí, đại diện Bộ TT&TT cho biết ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử vẫn được giữ lại, bởi app này giống như một sổ y bạ điện tử của người dân. Chức năng của app không chỉ là phòng dịch Covid-19.
“Sổ sức khỏe điện tử không chỉ liên quan đến Covid-19 mà còn hỗ trợ tiêm phòng, theo dõi nhiều bệnh khác. Trong khi đó PC-Covid chỉ thực hiện chống dịch. Đó là lý do phải có hai app”, đại diện Bộ TT&TT chia sẻ.
Bộ cho biết dữ liệu của PC-Covid được liên thông với các cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia lớn, bao gồm CSDL quốc gia về dân cư, liên quan xác thực thông tin người dân; CSDL về bảo hiểm, liên quan đến thẻ bảo hiểm, và CSDL về tiêm chủng phòng ngừa Covid-19, liên quan đến thông tin Covid-19; CSDL về xét nghiệm.