- Cuộc họp báo tại Trung tâm báo chí TP.HCM bắt đầu lúc hơn 18h, khi Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của TP.HCM vẫn chưa kết thúc buổi họp chiều cùng ngày.
- Chiều 19/6, UBND TP.HCM đồng ý phong tỏa 14 ngày với 3 khu phố ở phường An Lạc (quận Bình Tân) và 3 ấp Tân Thới 2, Tân Thới 3 và Thới Tây 1 (xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn).
- Chỉ thị 16 chưa được áp dụng, song TP.HCM sẽ có chỉ thị riêng để phù hợp với tình hình.
-
TP.HCM giải tán chợ tự phát
Phát biểu kết thúc họp báo, ông Từ Lương, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, tái khẳng định TP sẽ không áp dụng cứng Chỉ thị 15 hay 16, mà trên nền 2 chỉ thị này sẽ ban hành một chỉ thị riêng phù hợp với TP.
Thành phố cũng sẽ bổ sung thêm biện pháp ở những địa bàn có ca nhiễm tăng cao.
Chỉ thị mới sẽ có 6 điểm.
Thứ nhất là tạm dừng các hoạt động không cần thiết, dừng taxi, giải tán chợ tự phát. Chợ truyền thống sẽ do Sở Công Thương hướng dẫn quy định giãn cách chi tiết tới từng địa phương.
Thứ hai là không tụ tập trên 3 người ở nơi công cộng. Khoảng cách giữa người với người tối thiểu 1,5 m.
Thứ ba là yêu cầu người dân ở nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thực sự cần thiết.
Thứ tư là cơ sở sản xuất hoạt động bình thường nhưng phải đảm bảo khoảng cách 1,5 m, đeo khẩu trang; có văn bản cam kết tuân thủ phòng chống dịch.
Thứ năm, cơ quan Nhà nước đảm bảo giãn cách khi làm việc. Doanh nghiệp chỉ đến công sở khi thực sự cần thiết.
Thứ sáu, dừng các hội họp không cần thiết, chỉ tổ chức cuộc họp thực sự quan trọng và được chính quyền địa phương cho phép.
-
TP.HCM sẽ ban hành quy định riêng về phòng chống dịch
Phó chủ tịch Dương Anh Đức cho biết Ban chỉ đạo chống dịch TP sẽ ban hành thêm các quy định. Trong đó, một số quy định sẽ nới bớt so với thực tế, một số quy định lại chặt chẽ hơn.
“Ví dụ như chúng ta đang quy định giãn cách giữa người với người là 2 m thì có thể điều chỉnh lại là yêu cầu giãn cách 1,5 m ngoài các khu vực phong tỏa. Yêu cầu không tụ tập quá 5 người sẽ điều chỉnh thành không tụ tập quá 3 người. Đồng thời thêm các biện pháp chuyên môn để dập dịch hiệu quả”, ông Đức cho biết.
Lãnh đạo TP nhận định quan trọng nhất là nâng năng lực xét nghiệm lên đến 500.000 mẫu/ngày (gấp đôi so với thời gian qua). Mục tiêu là để quét F0, tập trung quét ở những khu vực F0 cao.
“Việc tầm soát sẽ phải thực hiện thường xuyên, liên tục. Lấy mẫu có đủ sự đại diện, giảm tối đa việc bỏ sót. Hy vọng sau một tuần có thể nhìn thật rõ những nguy cơ tiềm ẩn, có điều kiện để quay lại test các vị trí đã tầm soát”, ông Đức nhận định.
-
Doanh nghiệp muốn nhập vaccine cần tuân thủ quy định
Tại họp báo, ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), cho biết Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng có nhu cầu rất lớn với vaccine. Chính phủ, Bộ Y tế và TP.HCM đều đang làm nhiều cách để người dân được tiếp cận vaccine.
Về việc doanh nghiệp mong muốn tự nhập vaccine, Giám đốc HCDC nhận định nhu cầu của doanh nghiệp là chính đáng, song cần tuân thủ quy định về nhập khẩu.
"Các doanh nghiệp có nhu cầu nên tìm hiểu quy định để tiếp cận vaccine một cách đúng đắn", ông Dũng nói.
Ảnh: Duy Hiệu.
-
Tuần tới là thời gian để chặn đứng nguồn dịch
Phó chủ tịch Dương Anh Đức chia sẻ chính quyền thành phố đánh giá tuần tới là thời gian để có thể chặn đứng nguồn dịch. Do đó, những trường hợp không tuân thủ phòng, chống dịch phải được xử lý nghiêm.
"TP.HCM cần xốc lại tinh thần, cùng vượt qua giai đoạn khó khăn này", ông chia sẻ.
Bên cạnh đó, Phó chủ tịch cho biết thành phố cũng có các khen thưởng, khích lệ với các tổ chức, cá nhân tuân thủ tốt biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn.
-
Cấp giấy phép lưu thông để vận chuyển hàng hóa
Tại họp báo, đại diện Sở Công Thương thừa nhận có tình trạng người dân mua sắm, dự trữ hàng hóa. Sở Công Thương khẳng định 100% hàng hóa được duy trì và cung cấp đầy đủ cho người dân. Do đó, việc tích trữ là không cần thiết.
Để đảm bảo việc cung ứng hàng hóa trong thời gian tới, Sở Công Thương đã có kế hoạch dự trữ nguồn hàng, nguyên vật liệu.
Vừa qua, tình hình dịch phức tạp, TP.HCM lại không phải nơi sản xuất tiêu dùng mà lấy nguồn cung từ các tỉnh, thành khác. Do đó, Sở đã thiết lập đường dây nóng, yêu cầu các đơn vị cung ứng sẵn sàng liên lạc, trao đổi và đối phó khi có biến động.
Về cách thức vận chuyển hàng hóa, Sở Công Thương nhận thấy còn nhiều khó khăn. Đơn vị đã và đang làm việc với các tỉnh, thành để có tính toán, giải quyết thuận lợi.
Tại TP.HCM, Sở Công Thương đã làm việc với Sở Giao thông Vận tải (GTVT) và thống nhất phương án cho phép xe vận chuyển hàng hóa 24/24h. Doanh nghiệp có thể gửi thông tin trước cho Sở GTVT để nhận giấy phép lưu thông, sau khi đối chiếu có thể vận chuyển 24/24h.
Sở cũng tham mưu lãnh đạo TP ban hành Bộ tiêu chí tự đánh giá công tác phòng, chống dịch. Đơn vị đang tăng cường bán hàng trực tuyến, xây dựng phần mềm bán hàng với các địa phương và sẽ triển khai sau khi hoàn chỉnh.
Ảnh: Duy Hiệu.
-
Khi nào TP.HCM áp dụng Chỉ thị 16?
Về việc áp dụng Chỉ thị 16 trong bối cảnh ca nhiễm tăng nhanh, Phó chủ tịch Dương Anh Đức cho biết TP.HCM dựa trên quy định của Bộ Y tế để đánh giá mức độ nguy cơ ở từng địa phương để đưa ra quyết định thắt chặt kiểm soát.
"Tùy theo mức độ nguy cơ khu vực, thành phố sẽ quyết định áp dụng các chỉ thị cụ thể", ông Đức cho biết.
Trả lời câu hỏi về việc TP.HCM có thiếu nhân lực chống dịch hay không, ông Đức cho biết trong tình huống có 5.000 người bệnh, lực lượng y tế TP.HCM và Trung ương trên địa bàn thành phố vẫn đảm bảo tốt.
Ông khẳng định thêm hệ thống y tế của thành phố chưa bao giờ đơn độc. "TP.HCM chi viện cho địa phương bạn và khi cần địa phương bạn lại chi viện cho TP.HCM", ông nói.
Ảnh: Thu Hằng.
-
Phong tỏa thêm 3 khu vực tại huyện Hóc Môn
Mở đầu họp báo, Phó chủ tịch Dương Anh Đức nhận định tình hình dịch bệnh tại TP.HCM đang diễn biến phức tạp.
Sau thời gian giãn cách, ổ dịch lớn nhất từ điểm nhóm Hội thánh truyền giáo Phục Hưng đã được kiểm soát. Tuy nhiên, TP.HCM tiếp tục phát sinh nhiều ổ dịch mới từ quận Bình Tân, huyện Hóc Môn.
Ông Đức nhận định trong tuần qua, việc thực hiện chỉ thị giãn cách tại TP.HCM chưa được nghiêm ngặt.
"Do đó, buổi họp báo này nhằm đưa ra các quyết sách, động thái mạnh mẽ hơn. Đặc biệt, thành phố sẽ tăng cường các biện pháp giãn cách, xử lý các chuỗi dịch", ông Đức chia sẻ.
Nói về định hướng trong thời gian tới, ông Đức cho biết thành phố đang tăng cường, bổ sung các quy định về giãn cách. Trước mắt, thành phố sẽ thiết lập vùng phong tỏa đối với các khu vực cụ thể. Điển hình là 3 khu phố thuộc phường An Lạc (quận Bình Tân) và ấp Tân Thới 2, Tân Thới 3 và Thới Tây 1, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn trong thời gian 14 ngày. Ông nhận định đây là 2 nơi được đánh giá có mối nguy hiểm cao nhất hiện nay.
"Nguyên tắc phong tỏa là người dân ở đâu thì ở nguyên đó, không ra vào, và người dân trong khu vực phong tỏa phải áp dụng giãn cách", ông nói.
-
TP.HCM họp bàn kế hoạch tiêm chủng 836.000 liều vaccine
Chủ trì họp báo ở đầu cầu UBND TP là ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP.HCM. Ông Đức cho biết chỉ có thể dành 30 phút cho báo chí bởi Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP vẫn đang họp chuẩn bị cho kế hoạch tiêm chủng 836.000 liều mà TP.HCM vừa được cấp.
Ông Từ Lương, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, cho biết thành phố dự định tiêm 836.000 liều vaccine trong 5 ngày và nhận định đây là khối lượng công việc "khổng lồ".
"Hiện, thành phố đã chia được các nhóm. Nhưng để đảm bảo không bị lộn xộn trong quá trình tiêm, đúng đối tượng, an toàn, tiêm trong bối cảnh giãn cách xã hội thì cần y tế các quận, huyện tham gia", ông Từ Lương cho biết.
Ảnh: Ngọc Tân.
-
Phong tỏa 3 khu phố ở quận Bình Tân từ 0h ngày 20/6
Sau khi phát hiện 127 ca nhiễm nCoV tại 3 khu phố ở phường An Lạc, quận Bình Tân đề xuất áp dụng Chỉ thị 16 tại khu vực này trong 14 ngày. Chiều 19/6, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức đã ký công văn khẩn, chấp thuận đề xuất của quận Bình Tân.
Theo đó, kể từ 0h ngày 20/6, thành phố thiết lập vùng phong tỏa đối với các khu phố 2, 3, 4 thuộc phường An Lạc, quận Bình Tân, trong 14 ngày.
Về biện pháp, UBND quận dự kiến tổ chức 22 chốt chặn tại các tuyến đường, hẻm. Mỗi chốt 3 người/ca. Tổng lực lượng tham gia là 198 người/ngày.
Đường Hồ Học Lãm, đoạn từ Kinh Dương Vương đến Võ Văn Kiệt sẽ được chốt chặn, cách ly. Riêng tuyến đường Kinh Dương Vương, Võ Văn Kiệt vẫn cho lưu thông nhưng không được dừng, đỗ.
Riêng UBND phường An Lạc sẽ bố trí một hướng di chuyển để cán bộ, công chức đến trụ sở và đi thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn.
Ảnh: Phạm Ngôn.
-
Không để người dân lo lắng, tích trữ không cần thiết
Tại buổi họp trưa 19/6 của Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 TP.HCM, Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình lưu ý TP.HCM cần cân nhắc mọi tình huống có thể xảy ra, chủ động xây dựng và triển khai một số biện pháp tương xứng, cụ thể, linh hoạt riêng.
Phó thủ tướng nhấn mạnh biện pháp phòng chống dịch hiệu quả hiện nay là vaccine + 5K + công nghệ. Công nghệ phải được ứng dụng trong các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; tiêm vaccine, công tác truy vết, cách ly; quản lý hành chính…để nâng cao hiệu quả thực hiện.
Đồng thời, trước khi triển khai biện pháp mạnh hơn, TP cần công bố cho người dân biết và nắm bắt rõ các thông tin về cung ứng hàng hóa thiết yếu, lượng thực, thực phẩm, giao thông… để chủ động trong sinh hoạt, làm việc, tránh việc người dân hoang mang, lo lắng và tích trữ không cần thiết.
Ảnh: HMC.
-
Bí thư Nên đề nghị nâng mức giãn cách xã hội
Trưa 19/6, Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 TP.HCM tổ chức cuộc họp khẩn để thảo luận, triển khai phương án cấp bách trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh tại thành phố.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cho rằng thời gian qua, toàn thành phố đã nỗ lực, thực hiện nhiều biện pháp nghiêm và về cơ bản kiểm soát được một số chuỗi lây nhiễm. Tuy nhiên, thành phố chưa khống chế được dịch bệnh.
Do đó, ông thống nhất với đề xuất của các sở, ngành, quận, huyện về việc triển khai biện pháp mạnh hơn, quyết liệt hơn.
Theo Bí thư Nên, biện pháp căn cơ nhất vẫn là tiêm vaccine nhưng để vaccine hoạt động hiệu quả cần có thời gian. Do đó, trước mắt TP cần tiếp tục tăng hiệu quả công tác truy vết, khoanh vùng, dập dịch triệt để và tầm soát diện rộng; đồng thời, có biện pháp kiểm soát và giảm bớt dòng người đến TP.HCM.
"Nâng cao mức giãn cách xã hội tại thành phố, đối với những địa điểm, khu vực có thể đảm bảo an toàn với dịch bệnh thì thực hiện biện pháp nới lỏng hơn. Riêng hoạt động sản xuất, lưu thông hàng hóa chỉ hạn chế khi thật sự cần thiết, tránh việc đình trệ", Bí thư Nên nói.
Bên cạnh đó, ông Nên yêu cầu lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm.
"Quyết tâm sau một tuần tới, TP có thể khống chế được dịch bệnh. Chúng ta chấp nhận hy sinh lợi ích ngắn để duy trì lợi ích lâu dài", ông nói.
Ảnh: HMC.