Vi phạm hoạt động buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ... tại TP.HCM ngày càng tăng. Ảnh: DMS. |
Theo báo cáo mới đây của Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP.HCM, năm 2023, dù bối cảnh kinh tế xã hội gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng các hoạt động buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, không đảm bảo an toàn thực phẩm... vẫn không suy giảm.
Các đội QLTT tại TP.HCM đã tăng cường kiểm tra chuyên ngành 5.091 vụ, tăng hơn 42% so với cùng kỳ, qua đó ban hành 4.548 quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Tổng số tiền thu đã nộp ngân sách là gần 97 tỷ đồng, tăng gần 67% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có 83 tỷ đồng tiền phạt hành chính, 11 tỷ đồng tiền bán hàng tịch thu và 2 tỷ đồng tiền truy thu số lợi bất hợp pháp.
Đồng thời, cơ quan quản lý này cũng tiêu hủy nhiều lô hàng giả, hàng cấm, hàng không đủ điều kiện lưu thông có tổng trị giá 55 tỷ đồng. Bên cạnh đó, trị giá hàng tịch thu chờ bán là khoảng 116 tỷ đồng.
Trong năm ngoái, Cục QLTT TP đã phát hiện, chuyển cơ quan điều tra 21 vụ việc có dấu hiệu tội phạm, ước tính trị giá hàng hoá vi phạm hơn 54 tỷ đồng. Trong đó, đối với hàng hoá nhập lậu đã kiểm tra, xử lý 1.063 trường hợp, xử lý gần 1,5 triệu đơn vị sản phẩm hàng hoá vi phạm và phạt tiền gần 25 tỷ đồng.
Ngoài ra, Đoàn kiểm liên ngành phòng chống dịch bệnh gia cầm, gia súc còn kiểm tra 47.727 vụ, qua đó phát hiện 21 vụ vi phạm về kiểm dịch, giao cơ quan Thú y xử lý 34 con gà, 3 con vịt và 400 kg thịt gà đông lạnh, xử phạt vi phạm hành chính hơn 340 triệu đồng.
Thời gian tới, Cục QLTT TP.HCM cho biết sẽ đẩy mạnh công tác phối hợp với các lực lượng chức năng, UBND TP Thủ Đức, UBND các quận/huyện trong công tác nắm tình hình, đặc biệt cần nắm rõ các kho chứa hàng, bến bãi, địa điểm tập kết trung chuyển hàng hoá, địa bàn trọng điểm, các đường dây, ổ nhóm, quy luật hoạt động của các đối tượng buôn lậu, kinh doanh hàng hoá nhập lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả... để đảm bảo an toàn và không gây thiệt hại cho người sử dụng.
Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra đối với các nhóm hàng hoá thuộc diện cấm nhập khẩu, cấm kinh doanh và kinh doanh có điều kiện.
Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.