Chiều 14/12, mưa xuất hiện trên một nửa diện tích TP.HCM với lượng 3-10 mm.
Đến 16h30, ảnh vệ tinh và radar cho thấy mây đối lưu phát triển mạnh dần, sau đó mở rộng ra nhiều khu vực lân cận khác của TP.HCM. Một số nơi có mưa vừa và mưa to. Trong cơn dông, người dân cần đề phòng lốc, sét và gió giật mạnh.
Chuyên gia thời tiết Lê Thị Xuân Lan cho biết đây là hiện tượng mưa trái mùa. Do miền Nam đang chịu ảnh hưởng nhẹ bởi không khí lạnh, kết hợp với một rãnh thấp từ khu vực xích đạo dịch chuyển lên phía bắc, tiến gần Nam Bộ, nên buổi sáng nắng; trưa đến chiều, trời bắt đầu kéo mây gây âm u.
"Ảnh hưởng nhiễu động trong đới gió đông, mưa tại TP.HCM thường tập trung về chiều và không đồng đều, lượng mưa khá lớn khoảng 10 mm", chuyên gia nói và cho biết mưa sẽ giảm dần vào ngày mai trên diện hẹp.
Mưa trái mùa tiếp diễn tại TP.HCM ít nhất từ một đến 2 ngày rồi giảm dần ở diện hẹp. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Bà Lan dự báo tuần tới, phía đông Philippines xuất hiện thêm một áp thấp nhiệt đới, vượt qua miền Trung Philippines vào Biển Đông khoảng ngày 19-20/12. Áp thấp này hoạt động ở phía đông quần đảo Trường Sa, sau đó di chuyển theo hướng tây.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh, khoảng 24/12, Nam Bộ và Nam Trung Bộ, từ Phú Yên, Khánh Hòa đến Cà Mau đón một đợt mưa trái mùa lớn hơn.
Trong khi đó, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ đưa ra cảnh báo về triều cường ở vùng hạ lưu sông Sài Gòn - Đồng Nai 2 ngày tới. Theo đó, mực nước tại các trạm vùng hạ lưu sông Sài Gòn - Đồng Nai lên nhanh trong kỳ triều cường đầu tháng 11 âm lịch.
Triều đợt này dự báo đạt đỉnh vào ngày 15-16/12, với mực nước 1,65 m. Thời gian xuất hiện đỉnh triều khoảng 4-6h và 17-19h trong ngày.
Mức độ rủi ro thiên tai do triều cường khu vực TP.HCM ở cấp độ 3. Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ nhận định đây là kỳ triều cường cao, cần đề phòng ngập úng vùng trũng thấp, ven sông.
Sáng 14/12, mực nước tại các trạm Phú An, Nhà Bè, Thủ Dầu Một thực đo được từ 1,50 m đến 1,62 m.