Nhiều phương tiện chết máy trên đường Calmette (quận 1) trong trận mưa ngập hồi tháng 8. Ảnh: Duy Hiệu. |
Chiều 28/9, bầu trời TP.HCM chuyển mây đen, sau đó, mưa dông xuất hiện tại TP Thủ Đức rồi lan rộng qua các khu vực lân cận. Nhiệt độ dao động 27-28 độ C.
Theo ảnh mây vệ tinh của Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Nam Bộ lúc 16h15, mây dông phát triển trên khu vực Hóc Môn, Bình Chánh, TP Thủ Đức, Nhà Bè, Cần Giờ... Ngoài ra mây dông tại khu vực Long An cũng di chuyển về hướng TP.HCM.
Những giờ tới, các khối mây dông tiếp tục gây mưa rào kèm dông cho các khu vực kể trên, sau đó có xu hướng mở rộng ra vùng lân cận. Đồng thời, vùng mây từ Long An sẽ di chuyển về khu vực các huyện Hóc Môn, Bình Chánh, quận 12, 6, 8, 11 sau đó trải rộng toàn thành phố...
Lượng mưa phổ biến 10-15 mm, có nơi mưa trên 20 mm. Trong cơn dông đề phòng sét và gió giật mạnh khoảng cấp 5-6.
Chuyên gia thời tiết Lê Thị Xuân Lan, nguyên Phó phòng Dự báo Đài Khí tượng và Thủy văn khu vực Nam Bộ TP.HCM, cho biết do ảnh hưởng của rìa bão khiến gió tây nam hoạt động mạnh hơn bình thường trong những ngày qua, thời tiết các tỉnh, thành Nam Bộ có mưa và dông.
Mưa kéo dài đến cuối tuần và trùng với đợt triều cường, đỉnh triều lên đến 1,6 m tại các trạm khiến nhiều nơi ở TP.HCM có khả năng bị ngập sâu. Người dân khi lưu thông qua cần lưu ý dòng nước chảy xiết để đảm bảo an toàn.
Tuyến đường Trần Xuân Soạn ngập do triều cường trong chiều 12/9. Ảnh: Tâm Linh. |
13h cùng ngày, áp thấp nhiệt đới (suy yếu từ bão số 4) đã suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Nam Lào. Những giờ tiếp theo, vùng áp thấp tiếp tục di chuyển chủ yếu theo hướng tây và tan dần.
Theo dự báo của cơ quan khí tượng, từ chiều 28 đến đêm 29/9, ở khu vực Bắc Trung Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 100-200 mm, có nơi trên 250 mm; khu vực đồng bằng, ven biển Bắc Bộ và Hòa Bình có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 70-150 mm, có nơi trên 180 mm.
Người dân cần đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, lở đất ở vùng núi, ngập úng tại vùng thấp.