Sáng 9/10, TP.HCM có nắng nhẹ, thời tiết mát mẻ. Đến khoảng 11h, trời bắt đầu xuất hiện sấm, mây đen và mưa nhỏ. Sau đó, cơn mưa lớn dần.
Lúc 11h, ảnh mây vệ tinh và ảnh radar thời tiết cho thấy mây đối lưu đang phát triển trên khu vực trung tâm, phía Đông Bắc và phía Nam TP.HCM. Cùng với đó, những đám mây đối lưu từ phía Long An cũng có xu hướng di chuyển theo hướng Tây Nam - Đông Bắc về phía thành phố.
Mưa sẽ còn kéo dài tại TP.HCM trong nhiều ngày tới. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, đến 14h, mây đối lưu tiếp tục phát triển và gây mưa dông cho các khu vực kể trên. Ngoài ra, những đám mây đối lưu từ phía Long An di chuyển về thành phố cũng gây mưa dông cho khu vực phía tây và phía bắc.
Sau đó, vùng mưa lan dần ra các khu vực khác, có nơi mưa vừa, mưa to. Trong cơn dông, người dân cần đề phòng gió giật mạnh, lốc và sét. Các vùng trũng thấp cũng có nguy cơ ngập do mưa kéo dài.
Phó phòng Dự báo Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ Lê Đình Quyết cho biết những ngày qua, Nam Bộ chịu ảnh hưởng bởi phía nam dải hội tụ nhiệt đới đi qua khu vực các tỉnh Nam Trung Bộ, kết hợp với vùng xoáy thấp đang hình thành trên biển. Do đó, gió Tây Nam hoạt động trung bình đến mạnh, gây mưa diện rộng.
Tối và đêm nay, mưa giảm. Tuy nhiên, vì dải hội tụ vẫn tồn tại nên TP.HCM và Nam Bộ vẫn sẽ duy trì thời tiết mưa nhiều những ngày tới.
Từ 13/10, Nam Bộ chịu tác động của dải hội tụ nhiệt đới, kết hợp với hoàn lưu phía tây khiến gió Tây Nam hoạt động mạnh. TP.HCM và Nam Bộ tiếp tục mưa diện rộng. Mưa to đến rất to tập trung ở khu vực miền Đông và ven biển phía tây như Cà Mau - Kiên Giang. Lượng mưa phổ biến 100-150 mm, có nơi trên 200 mm.