Trong buổi làm việc với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày 23/6, TP.HCM mong trung ương sẽ bổ sung vốn ODA cho 2 dự án trọng điểm từ nay đến năm 2020. Trong đó dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 (tuyến Bến Thành - Suối Tiên) là 20.930 tỷ đồng, và dự án Cải thiện môi trường nước thành phố, lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ, giai đoạn 2 là 8.582 tỷ đồng
Thiếu hơn một nửa vốn ODA cho dự án Metro
Với dự án Metro số 1, TP.HCM đã kiến nghị tạm ứng 3.303 tỷ đồng vốn ODA năm 2017. Lãnh đạo thành phố cho biết địa phương đang chịu áp lực lớn từ nhà thầu xây dựng tuyến đường sắt đô thị này. Nếu Metro chậm tiến độ thì nhà nước cũng mất uy tín.
Hiện nay nhu cầu vốn ODA ngân sách trung ương cấp phát năm 2017 để thực hiện dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1, tuyến Bến Thành - Suối Tiên là 5.422 tỷ đồng. Tuy nhiên, tại Quyết định giao vốn năm 2017 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Quyết định số 612/QĐ-BKHĐT ngày 28 tháng 4 năm 2017), dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 được bố trí 2.119 tỷ đồng (thiếu 3.303 tỷ đồng).
Tuyến Metro số 1 đang cần ứng thêm hơn 3.000 tỷ đồng để kịp tiến độ. Ảnh: Lê Quân. |
Hiện nay, khối lượng thi công của dự án đang được đẩy nhanh, dự kiến đến tháng 7 sẽ hoàn thành giải ngân hết số vốn đã bố trí năm 2017. Như vậy việc ứng thêm vốn là cấp bách. Nếu không, tiến độ của dự án này sẽ chậm tiến độ vì đói vốn.
Trước đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chấp thuận cho thành phố giải ngân vốn ODA theo tiến độ dự án (Công văn số 3059/BKHĐT-TH ngày 21 tháng 5 năm 2015). Tuy nhiên, từ năm 2016 đến nay, số vốn ODA giải ngân theo kế hoạch đầu tư công hàng năm do Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí.
TP.HCM kiến nghị Thủ tướng xem xét tạm ứng 3.303 tỷ đồng trong năm 2017 cho thành phố từ nguồn kế hoạch vốn ODA trung hạn giai đoạn 2016-2020. Đây là nguồn vốn do ngân sách Trung ương cấp phát cho dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 để đẩy nhanh tiến độ dự án, hoàn thành năm 2020 theo kế hoạch.
Gỡ điểm nghẽn vốn đầu tư
Ông Liêm cũng kiến nghị giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn về chậm giải ngân vốn đầu tư công. Theo đó, với các dự án ODA, dự án quan trọng quốc gia đã được Thủ tướng phê duyệt trước khi Luật Đầu tư công có hiệu lực, trong quá trình thực hiện, nếu có phát sinh thay đổi dẫn đến phải điều chỉnh tổng mức đầu tư, điều chỉnh dự án, thì đề nghị thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh là của Thủ tướng, không phải trình lại Quốc hội. Thủ tướng chỉ thực hiện báo cáo Quốc hội tại phiên họp vào cuối mỗi năm để Quốc hội giám sát, theo dõi.
"Nếu quy định này được áp dụng thì điểm nghẽn về vốn đầu tư công cho metro số 1 và nhiều công trình tại TP.HCM sẽ được giải quyết toàn diện", ông Liêm nói.
Cụ thể, với dự án metro, số việc điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 (từ 19.906 tỉ đồng lên 47.325 tỉ đồng) và dự án tuyến đường sắt đô thị số 2 (Bến Thành - Tham Lương) (từ 26.116 tỉ đồng lên 47.603 tỉ đồng) sẽ có cơ hội được Thủ tướng quyết định.
Tại cuộc làm việc, thành phố cũng kiến nghị Thủ tướng thống nhất bỏ cơ chế thí điểm và cho phép Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước Thành phố (HFIC) chính thức thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại toàn bộ doanh nghiệp thuộc Ủy ban nhân dân thành phố.
Với danh sách các doanh nghiệp chuyển giao về HFIC, thành phố được chủ động thực hiện và báo cáo Thủ tướng để đảm bảo tiến độ và lộ trình cổ phần hóa.