Liên quan nhiều ca ngộ độc rượu dẫn đến chết người xảy ra tại TP.HCM thời gian vừa qua, ông Lê Minh Hải, Phó trưởng Ban An toàn Thực phẩm TP.HCM, cho biết đây là sự cố nghiêm trọng khi sử dụng thực phẩm không an toàn, cụ thể là rượu không rõ nguồn gốc sản xuất, kinh doanh.
"Có trường hợp người dân vô tình sử dụng cồn sát khuẩn pha vào bình rượu gia đình, dẫn đến ngộ độc Methanol", ông Lê Minh Hải nói tại họp báo TP.HCM chiều 18/8.
Để hạn chế tình trạng ngộ độc rượu khi cả nước sắp bước vào những ngày lễ, Tết, ông Hải khuyến cáo người dân không uống cồn công nghiệp và rượu có hàm lượng Methanol > 0,1% - có thể gây mù mắt và tử vong.
Đồng thời, người dân cũng không uống rượu có nồng độ từ 30 độ trở lên vượt quá 30 ml/người/ngày; không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân.
Chuyên gia cũng lưu ý người dân không uống khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị.
Bệnh nhân ngộ độc methanol đang được điều trị tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Ảnh: BVCC. |
Quá trình kiểm tra, ông Lê Minh Hải cho biết có tình trạng một số cơ sở đóng cửa, chỉ mở về đêm nhằm né tránh việc kiểm tra của cơ quan chức năng.
Một số cơ sở sau khi bị lập biên bản vi phạm hành chính đã đóng cửa, giải thể, chuyển địa điểm khác để tránh né việc chấp hành quyết định xử phạt.
Theo ông Hải, năm 2021, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM đã kiểm tra 8 cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, bia. Đơn vị phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 2 cơ sở do vi phạm về điều kiện vệ sinh cơ sở, không có giấy phép đăng ký kinh doanh, không có bản tự công bố sản phẩm rượu.
Số tiền phạt gần 135 triệu đồng cùng biện pháp đình chỉ hoạt động có thời hạn, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp, buộc thu hồi, thay đổi mục đích sử dụng hoặc tái chế hoặc tiêu hủy sản phẩm.
Từ đầu năm nay đến tháng 7, Ban đã kiểm tra 59 cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, bia và chưa phát hiện trường hợp vi phạm.
Về kế hoạch trong đợt cao điểm Tết Nguyên đán sắp tới, ông Hải cho hay Ban tập trung kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm sử dụng nhiều như: thịt và các sản phẩm từ thịt, bia, rượu, đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau, củ, quả, phụ gia thực phẩm…
Trước đó, chỉ trong vòng 3 ngày, TP.HCM đã xảy ra 2 vụ ngộ độc methanol sau khi uống rượu, khiến 2 người tử vong. Theo đó, có 2 loại ngộ độc rượu chính là ngộ độc rượu ethanol và methanol.
Hầu hết nạn nhân bị đau bụng, chóng mặt, nôn ói, có uống thuốc nhưng không hết. Sau đó, các nạn nhân xuất hiện triệu chứng co giật, lơ mơ, hôn mê nên được người nhà chuyển đến bệnh viện cấp cứu.