Bệnh viện Hồi sức Covid-19 hoạt động liên tục 245 ngày, cứu sống nhiều người mắc Covid-19. Ảnh: Duy Hiệu. |
Thông tin trên được bà Lê Thiện Quỳnh Như, Phó chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM, cho hay tại buổi họp báo chiều 13/10.
Theo bà Như, giấy báo tử của một số bệnh nhân tử vong tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 có sai sót nhưng bệnh viện đã giải thể, thân nhân chưa biết tới đơn vị nào để điều chỉnh thông tin.
Khi có quyết định giải thể Bệnh viện Hồi sức Covid-19, UBND TP.HCM giao Bệnh viện Ung Bướu (trực thuộc Sở Y tế TP.HCM) lưu trữ, quản lý tài liệu, hồ sơ chứng từ liên quan đến hoạt động chuyên môn, quản lý của Bệnh viện Hồi sức Covid-19 vừa được giải thể.
"Sở Y tế đã hướng dẫn Bệnh viện Ung Bướu hỗ trợ thân nhân của người bệnh tử vong do Covid-19, điều chỉnh thông tin sai sót trên giấy báo tử", bà Như nói.
Trong cuộc họp báo vào tháng 7, bà Như còn thông tin việc các cơ sở y tế khó thanh quyết toán chi phí mai táng người tử vong do Covid-19.
Lý do là UBND TP.HCM có công văn nêu chi phí hỏa táng người tử vong do Covid-19 không quá 17 triệu đồng/trường hợp. Tuy nhiên, trước khi công văn này ban hành, một số cơ sở y tế đã ký hợp đồng với cơ sở mai táng giá cao hơn mức trên.
Bên cạnh đó, có một số hóa đơn từ cơ sở mai táng nhỏ lẻ chưa thống kê được nên sở chưa nắm để thanh toán được. Sở Y tế kiến nghị UBND TP.HCM xem xét chấp thuận thanh toán các khoản chênh lệch trong chi phí mai táng F0 tử vong.
Tháng 3, Bệnh viện Hồi sức Covid-19 (đặt tại một phần cơ sở 2 của Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, phường Tân Phú, TP Thủ Đức) chính thức ngưng nhận bệnh nhân. Đây là quyết định của Sở Y tế TP.HCM về việc sắp xếp lại hoạt động các đơn vị thu dung, điều trị Covid-19 trên địa bàn quận, huyện và TP Thủ Đức.
Bệnh viện Hồi sức Covid-19 được thành lập vào thời điểm TP.HCM giãn cách xã hội do sự lây lan mạnh mẽ của biến chủng Delta. Nơi đây là đơn vị được thành lập dành riêng để điều trị người mắc Covid-19 có quy mô lớn nhất tại Việt Nam.