Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức vừa ký ban hành kế hoạch vừa cách ly, vừa sản xuất với doanh nghiệp hoạt động trong khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao.
Để thực hiện vừa cách ly, vừa sản xuất, doanh nghiệp cần đáp ứng 4 yêu cầu.
Thứ nhất là ký Bản cam kết đảm bảo thực hiện các biện pháp an toàn phòng, chống dịch Covid-19 và hoàn thành đánh giá nguy cơ lây nhiễm Covid-19 tại nơi làm việc theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 ban hành hôm 27/5 (Quyết định 2194). Kết quả xếp loại phải thuộc nhóm rất ít nguy cơ hoặc nguy cơ lây nhiễm thấp.
Thứ hai, doanh nghiệp cần bảo đảm nơi ở tập trung hoặc dã chiến tại doanh nghiệp cho người lao động.
Thứ ba, các đơn vị cần vận chuyển người lao động từ nơi ở tập trung đến nơi làm việc đáp ứng các điều kiện phòng chống dịch (theo Quyết định 2787 của Bộ Y tế).
Thứ tư, tất cả người lao động phải có kết quả xét nghiệm âm tính với nCoV trước khi được đưa đến nơi ở tập trung; không đi khỏi nơi ở và nơi làm việc trong suốt quá trình doanh nghiệp vừa cách ly, vừa sản xuất.
Nơi lưu trú tập trung cho công nhân của một doanh nghiệp tại Bắc Ninh. Ảnh: Thạch Thảo. |
Theo hướng dẫn của UBND TP, một nơi ở tập trung/dã chiến chỉ bố trí cho người lao động của một doanh nghiệp.
Nơi ở tập trung phải đáp ứng nhiều điều kiện cụ thể như: Được kiểm soát lối ra rào, thuận tiện cho việc đưa đón người lao động, có biển báo "Khu vực lưu trú tập trung - Không phận sự miễn vào"; có hệ thống camera giám sát tại cổng/lối ra vào, khu vực công cộng, kết nối với hệ thống thông tin cấp xã để phối hợp giám sát...
Các nhà trọ này cần đảm bảo thông thoáng, diện tích phòng trọ không nhỏ hơn 5 m2/người; tốt nhất có nhà vệ sinh khép kín mỗi phòng, nếu phải dùng chung thì không quá 12 người/nhà vệ sinh.
Công nhân vừa sản xuất, vừa lưu trú trong khu công nghiệp. Ảnh: Thạch Thảo. |
Nếu doanh nghiệp thành lập nơi ở dã chiến, cần đáp ứng các điều kiện: tách biệt khỏi khu vực sản xuất, khu vực nguy hiểm, mặt bằng nơi tạm trú phải có rào chắn xung quanh và ở đầu hướng gió; việc ra vào phải được kiểm soát chặt chẽ...
Các cơ sở dã chiến này có thể cải tạo từ nhà ăn, hội trường, phòng hội thảo, phòng họp lớn, phân xưởng tạm dừng sản xuất; dựng rạp, nhà bạt dã chiến ở khu đất trống, đường đi hoặc nhà kho ít/không sử dụng... Trong đó, 6 khu vực cần được thiết lập, đáp ứng điều kiện cụ thể, gồm: Khử khuẩn, lưu trú, bếp ăn, vệ sinh chung, phơi quần áo, tập kết rác thải rắn.
UBND TP.HCM giao Ban quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM, Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM triển khai và phổ biến kế hoạch này. Các đơn vị liên quan như Sở Y tế, Công an TP, UBND quận, huyện, TP có trách nhiệm phối hợp thực hiện.
Từ ngày 27/4 đến nay, TP.HCM ghi nhận tổng cộng 1.857 ca mắc mới, trở thành ổ dịch có số ca mắc nhiều thứ 2 cả nước, chỉ sau Bắc Giang.
Ngày 19/6, UBND TP.HCM đã ban hành Chỉ thị 10 về giãn cách xã hội với các quy định như không tụ tập quá 3 người nơi công cộng, giữ khoảng cách 1,5 m, tạm dừng chợ tự phát... TP.HCM đã quyết định phong tỏa 6 khu vực từ 0h ngày 20/6, gồm: Khu phố 2, 3, 4, phường An Lạc (quận Bình Tân); ấp Tân Thới 2, Tân Thới 3, ấp Thới Tây 1 thuộc xã Tân Hiệp (huyện Hóc Môn).
Từ trưa 22/6, UBND TP.HCM tiếp tục phong tỏa 14 ngày khu phố 2, phường 16, quận 8.