Chiều 14/10, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) thông tin trong 3 tháng thực hiện kế hoạch cao điểm (20/6 đến 20/9), lực lượng cảnh sát giao thông toàn quốc đã phát hiện và xử lý gần 800.000 trường hợp vi phạm, phạt tiền gần 1.400 tỷ đồng.
Đồng thời, CSGT tước giấy phép lái xe, chứng chỉ chuyên môn đối với hơn 134.000 tài xế, tạm giữ hơn 189.000 phương tiện các loại.
Với chuyên đề xử lý người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới vi phạm về nồng độ cồn, lực lượng CSGT toàn quốc phát hiện hơn 110.700 trường hợp, phạt tiền hơn 500 tỷ đồng. So với thời gian trước liền kề, việc xử phạt tăng hơn 47.300 trường hợp, tiền phạt tăng hơn 200 tỷ đồng.
Trong đó, TP.HCM là địa phương phát hiện, xử lý lỗi vi phạm này cao nhất với hơn 15.800 tài xế, theo sau là Hà Nội với hơn 7.300 trường hợp.
Cảnh sát giao thông TP.HCM xử lý người vi phạm nồng độ cồn. Ảnh: An Huy. |
Với chuyên đề xử lý phương tiện vận tải hàng hoá vi phạm quy định về cơi nới thùng xe, chở hàng quá trọng tải, lực lượng CSGT đã phát hiện hơn 47.200 trường hợp, phạt tiền hơn 260 tỷ đồng.
Đặc biệt, CSGT đã tháo cắt thùng hơn 8.000 xe, yêu cầu hạ tải hơn 15.300 xe. So với thời gian trước liền kề, việc xử phạt tăng hơn 27.000 trường hợp, tiền phạt tăng hơn 100 tỷ đồng.
Đối với lỗi xử phạt này, Thanh Hóa là địa phương có kết quả xử lý cao nhất với hơn 3.200 trường hợp, theo sau là Hà Nội, Nghệ An và TP.HCM.
Về chuyên đề xử lý vi phạm về tốc độ trên đường bộ, CSGT phát hiện và xử lý hơn 112.300 tài xế, phạt tiền gần 200 tỷ đồng. Công an TP.HCM là nơi xử lý nhiều trường hợp lỗi vi phạm này nhất toàn quốc với hơn 12.900 trường hợp, xếp sau là Đồng Nai, Quảng Ninh, Bình Thuận.
Trên đường thuỷ nội địa, lực lượng chức năng cũng đã phát hiện và xử lý hơn 11.200 trường hợp vi phạm chở quá vạch mớn nước an toàn và hàng loạt hành vi khác như không trang bị hoặc trang bị không đầy đủ phao cứu sinh, thiết bị an toàn kỹ thuật; chở hàng hoá không có hoá đơn và chứng từ hợp lệ...
Cũng theo báo cáo của Cục CSGT, lực lượng chức năng ghi nhận trong 3 tháng cao điểm đã có hơn 2.500 vụ tai nạn giao thông, làm chết hơn 1.400 người, bị thương hơn 1.800 người. So với thời gian trước liền kề, số vụ tai nạn giao thông làm chết người đã giảm 360 vụ, giảm 239 người chết và giảm 148 người bị thương.
Trong 3 tháng cao điểm, tình trạng xe cơi nới thành thùng, xe chở hàng quá trọng tải đã giảm. Ảnh: Hồng Quang. |
Thượng tá Phạm Quang Huy (Phó cục trưởng Cục CSGT) cho biết thời gian 3 tháng triển khai cao điểm đã tạo được chuyển biến tích cực trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
Tình trạng phương tiện vi phạm chở hàng hóa quá tải trọng, quá khổ giới hạn, cơi nới thùng xe cơ bản được kiểm soát. Một số địa phương không còn tình trạng xe cơi nới thành thùng hoạt động.
"Việc thực hiện kế hoạch cao điểm cũng là gửi gắm tâm tư của lãnh đạo Bộ Công an với lực lượng CSGT toàn quốc trong việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông, với phương châm xử lý vi phạm góp phần làm giảm tai nạn giao thông", thượng tá Phạm Quang Huy nhấn mạnh.
Thượng tá Huy lấy dẫn chứng nếu mỗi địa phương giảm được tối thiểu 1 người chết do tai nạn giao thông trong một tháng, cả nước sẽ giảm được 63 người chết, trong một năm sẽ giảm được 700 người chết vì tai nạn giao thông.
Trong thời gian tới, lực lượng CSGT tiếp tục duy trì và triển khai quyết liệt giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông, nhất là xe chở quá tải trọng, quá khổ giới hạn, cơi nới thùng.
Đồng thời, CSGT tiếp tục nghiêm xử lý lái xe vi phạm nồng độ cồn, dương tính chất ma tuý; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông.
Lực lượng CSGT có văn bản kiến nghị đến cơ bản thẩm quyền về những bất cập trong công tác tổ chức giao thông, "điểm đen" về tai nạn. Trường hợp đã kiến nghị nhưng không có biện pháp khắc phục, đơn vị phải phối hợp điều tra xác định nguyên nhân và xem xét trách nhiệm liên đới của các cơ quan theo quy định của pháp luật.