UBND TP.HCM vừa quyết định ủy quyền cho quận thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn liên quan thủ tục đầu tư cải tạo, sửa chữa chung cư cũ, xây dựng chung cư mới thay thế chung cư cũ xây dựng trước năm 1975 trên địa bàn.
Theo đó, các quận được phê duyệt đề cương, dự toán, báo cáo kinh tế - kỹ thuật, quyết toán về công tác kiểm định và sửa chữa chung cư cũ, ban hành văn bản thông báo kết quả kiểm định chất lượng cho chủ sở hữu nhà chung cư. Quận cũng đồng thời phê duyệt và công bố kế hoạch cải tạo, sửa chữa chung cư cũ, xây dựng chung cư mới thay thế và công nhận chủ đầu tư.
Việc cải tạo chung cư cũ đã được "cởi trói" về cơ chế. Ảnh: Lê Quân. |
Ngoài ra, UBND quận còn phê duyệt chấp thuận phương án tạm cư, phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo đề xuất của nhà đầu tư; ban hành quyết định cưỡng chế phá dỡ khẩn cấp, quyết định cưỡng chế di dời và tổ chức thực hiện; bố trí tạm cư...
Quyết định trên của UBND TP.HCM vừa mới ban hành đã tạo ra những hiệu ứng tích cực với dư luận, nhất là những cư dân lâu nay sống thấp thỏm ở những chung cư cũ nát chờ cải tạo.
Theo lãnh đạo Sở Xây dựng TP.HCM, việc cải tạo chung cư cũ đã bàn rất nhiều, hết sức cấp bách. Để xúc tiến nhanh, chỉ có trao quyền cho quận huyện mới đẩy nhanh được tiến độ.
Ông Lê Văn Khoa, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng việc phân cấp cho quận là nhằm đẩy nhanh tiến độ. Quan điểm của thành phố là xử lý nhanh để bảo đảm an toàn tài sản, tính mạng cho người dân, cũng như chỉnh trang lại bộ mặt đô thị.
Trước đó, thành phố cũng đã giao cho Sở Xây dựng kiểm định xong 474 chung cư trên địa bàn trong năm 2016. Tuy nhiên, nếu áp dụng cơ chế cũ thì khó hoàn thành được khối lượng công việc, vì thời gian bồi thường đối với mỗi dự án có thể kéo dài 5-10 năm.
Một điểm đáng lưu ý trong việc trao quyền lần này là quận còn được UBND TP.HCM ủy quyền cho cả trường hợp thực hiện đầu tư xây dựng chung cư mới thay thế chung cư cũ theo hình thức PPP.
Cụ thể, quận được phê duyệt hồ sơ mời sơ tuyển, kết quả sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, danh sách nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật, kết quả trúng thầu; đàm phán hợp đồng và ký thỏa thuận đầu tư với nhà đầu tư, thực hiện hợp đồng đối với dự án nhóm B và C...
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng trước đây một phần nguyên nhân dẫn đến tiến độ xây dựng mới các chung cư cũ rất chậm là do bất cập trong cơ chế lựa chọn chủ đầu tư.
Nhiều lần HoREA kiên trì kiến nghị đã đến lúc cần triển khai các dự án đầu tư theo hình thức PPP, trong đó có hình thức hợp đồng xây dựng chuyển giao (BT), mới đẩy nhanh được việc thực hiện chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị; xây dựng lại các khu nhà chung cư cũ, hư hỏng.
Trước đó, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng cũng đã ra “tối hậu thư” cho Sở Xây dựng TP.HCM, yêu cầu trong tháng 6/2016 phải hoàn thiện cơ chế đặc thù về xây dựng chung cư cũ. Bởi nếu cứ để “ngâm” như lâu nay tai họa sẽ khó lường.