Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mua nhà chung cư bị mất trắng sau 50 năm?

Thông tin về việc mua nhà chung cư 50 năm sẽ mất trắng gây hoang mang cho nhiều người sở hữu loại hình nhà ở này. Tuy nhiên theo pháp luật quy định thì điều này rất khó xảy ra.

5 dự án nhà giá dưới 15 triệu đồng/m2 tại Hà Nội Hà Nội hiện có hàng loạt dự án nhà ở thương mại giá rẻ chỉ từ 9 đến 15 triệu đồng/m2, tương đương giá cho mỗi căn 60-70 m2 ở mức dưới 1 tỷ đồng.

Nhiều chuyên gia BĐS khẳng định thông tin mất trắng nhà chung cư sau khi mua 50 năm đang bị đẩy đi quá xa so với bản chất. Mọi yếu tố pháp lý khi triển khai các dự án chung cư đều đảm bảo cho khách hàng sở hữu nhà lâu dài, dù thời gian thuê đất của chủ đầu tư là có giới hạn.

Khách hàng hiểu lầm

Thông tin mua nhà 50 năm bị mất trắng xuất phát từ việc khách hàng phản ánh về hợp đồng mua nhà của một dự án ở TP.HCM. Trong hợp đồng này chủ đầu tư có đưa ra thông tin dự án được nhà nước giao đất 50 năm, trong khi lại được cấp giấy chứng nhận sở hữu nhà.

Việc khách hàng hiểu sai bản chất pháp lý khiến dư luận hoang mang khi đang bỏ tiền tỷ ra sở hữu chung cư.

chung cu thoi han 50 nam anh 1
Người mua nhà chung cư vẫn được đảm bảo quyền lợi khi dự án hết niên hạn sử dụng. Ảnh: Tiến Tuấn

Lý giải của ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp Hội BĐS TP.HCM, việc chủ đầu tư được giao đất 50 năm là thời gian quy định triển khai dự án. Khi chuyển sang đất ở, diện tích đất thuộc quyền sử dụng chung của các chủ sở hữu căn hộ chung cư, được cấp sổ hồng sử dụng ổn định lâu dài.

Quy định này để phòng ngừa trường hợp rủi ro khi chủ đầu tư nhận đất quá lâu, chưa triển khai dự án mà vẫn được sử dụng lâu dài, gây lãng phí quỹ đất và không phát huy được giá trị gia tăng của đất.

Ông Phan Công Chánh, một chuyên gia BĐS, lưu ý người dân bình thường khi mua nhà cần tìm hiểu rõ pháp lý, để tránh những hiểu lầm gây hoang mang.

"Ngay cả chủ đầu tư cũng cần phải có thông tin đầy đủ để khách hàng hiểu rõ quyền lợi của mình. Thông tin vừa qua có thể gây hiểu lầm của khách hàng về bản chất của sự việc”, ông Chánh nói. 

Khoản 1 Điều 99 Luật Nhà ở 2014 quy định: “Thời hạn sử dụng nhà chung cư được xác định căn cứ vào cấp công trình xây dựng và kết luận kiểm định chất lượng của cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh nơi có nhà chung cư”.

Thời hạn sử dụng nhà chung cư phải được xác định theo cấp công trình xây dựng, cũng như kết luận kiểm định chất lượng của cơ quan quản lý nhà ở.

Cách tính thời hạn theo cấp công trình xây dựng được quy định rõ ràng, với 4 cấp đối với nhà chung cư.

Cụ thể, công trình cấp 4 (1 tầng kết cấu đơn giản) có niên hạn sử dụng dưới 20 năm. Công trình cấp 3 (2-7 tầng) có niên hạn sử dụng từ 20 năm đến dưới 50 năm. Công trình cấp 2 (8-20 tầng) có niên hạn sử dụng từ 50 năm đến 100 năm. Công trình cấp 1 (trên 20 tầng) và công trình đặc biệt có niên hạn sử dụng trên 100 năm.

Theo ông Lê Hoàng Châu, không có một công trình nào tồn tại vĩnh cửu mà không có trùng tu sửa chữa.

Nếu 50 năm sau chung cư xuống cấp, người sở hữu nhà có quyền bỏ tiền ra nâng cấp, cải tạo. Nếu không có điều kiện làm thì sẽ áp dụng giống như các phương án di dời và cải tạo chung cư cũ hiện nay.

“Phương án nào đưa ra cũng đảm bảo quyền lợi về tài sản của người mua nhà, và đảm bảo quy hoạch của thời kỳ đó”, ông Châu nhấn mạnh.

Trả đất vẫn còn tài sản

Các chuyên gia nhấn mạnh việc người mua nhà chung cư hoàn toàn yên tâm về quyền lợi của mình khi sở hữu căn hộ chung cư.

Theo Luật sư Phạm Đình Bắc (Đoàn Luật sư TP.HCM), việc mua chung cư và sở hữu các giấy tờ pháp lý rõ ràng như sổ hồng đồng nghĩa với việc giá trị tài sản đó được đảm bảo lâu dài. Dù thời hạn thuê đất hoặc sử dụng chung cư đã hết hạn, các đơn vị chức năng hoặc chủ đầu tư sẽ chuyển đổi giá trị tài sản (đền bù, tái định cư…) một cách hợp lý cho người sở hữu.

Luật Nhà ở 2014 quy định trường hợp các chủ sở hữu có nhà chung cư thuộc diện phá dỡ để cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư được bố trí tái định cư.

Việc bố trí tái định cư bằng nhà ở được thực hiện thông qua hợp đồng cho thuê, cho thuê mua, mua bán nhà ở ký giữa người được bố trí tái định cư với đơn vị được giao bố trí tái định cư nếu do Nhà nước đầu tư. Hoặc người mua ký với chủ đầu tư dự án nếu do doanh nghiệp kinh doanh đầu tư xây dựng.

Nếu chủ sở hữu không có nhu cầu tái định cư tại chỗ, tùy theo điều kiện cụ thể của địa phương mà được bố trí nhà ở, đất ở tái định cư theo quy định tại Điều 36 của Luật Nhà ở 2014.

Trường hợp chủ sở hữu có nhu cầu tái định cư tại chỗ sẽ được bố trí nhà ở mới có diện tích tối thiểu bằng hoặc lớn hơn diện tích nhà ở cũ.

Trường hợp Nhà nước đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, chủ đầu tư dự án phải lo chỗ ở tạm thời, hoặc thanh toán tiền để người được tái định cư tự lo chỗ ở trong thời gian cải tạo, xây dựng lại.

Với trường hợp doanh nghiệp và chủ sở hữu thỏa thuận đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, các bên thỏa thuận về chỗ ở tạm thời của chủ sở hữu trong thời gian cải tạo, xây dựng lại.

Khi nhà nước đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư mà có chênh lệch về giá trị giữa nhà ở cũ và nhà ở mới, việc thanh toán giá trị chênh lệch được thực hiện theo phương án bố trí tái định cư đã được phê duyệt.

Nếu doanh nghiệp và chủ sở hữu thỏa thuận đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, việc thanh toán giá trị chênh lệch được thực hiện theo thỏa thuận giữa các bên.

Luật sư Phạm Đình Bắc cho hay: “Trong mọi trường hợp người mua chung cư có thể chủ động về quyền lợi của mình. Người dân có thể lựa chọn tái định cư tại chỗ, tái định cư trong phường đo hoặc tự túc đều được. Mọi chi phí liên quan đều được đảm bảo trên cơ sở thị trường và thỏa thuận”.

Đô thị đáng sống đầu tiên tại Hà Nội bị ‘chém nát’ quy hoạch Từng là khu đô thị đầu tiên và được công nhận là kiểu mẫu, nơi đáng sống của Hà Nội nhưng Linh Đàm đã bị "phá nát" quy hoạch ban đầu khiến không ít người tiếc nuối.

 


Bình Nguyên

Bạn có thể quan tâm