Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi các bộ, ban ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh về chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.
Trong đó, TP.HCM và Bình Định là 2 địa phương được bổ sung thí điểm đón khách quốc tế trong giai đoạn 1, từ tháng 1/2022 ngoài các tỉnh Đà Nẵng, Kiên Giang, Khánh Hòa, Quảng Nam, Quảng Ninh.
Phó thủ tướng giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Y tế, Công an, Quốc phòng, Ngoại giao, Giao thông vận tải, Thông tin và Truyền thông và UBND các tỉnh, thành phố trên căn cứ chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao tiếp tục chủ động, triển khai thực hiện thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam bảo đảm an toàn, hiệu quả.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được giao phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu triển khai điều chỉnh Hướng dẫn tạm thời thí điểm đón khách quốc tế tới Việt Nam để phù hợp với các quy định hiện nay. Khách du lịch quốc tế khi nhập cảnh phải có thị thực theo quy định để bảo đảm kiểm soát về an ninh và dịch bệnh.
Đoàn du khách người nước ngoài đầu tiên đi theo diện hộ chiếu vaccine đặt chân đến Phú Quốc ngày 20/11/2021. Ảnh: Chí Hùng. |
Trước đó, ngày 17/11/2021, UBND TP.HCM đã có công văn trình Thủ tướng về việc thí điểm tổ chức đón khách du lịch quốc tế trong tháng 12/2021 và mở rộng phạm vi đón khách trong năm 2022 không yêu cầu cách ly sau nhập cảnh khi áp dụng cơ chế “hộ chiếu vaccine”.
Theo kế hoạch, từ tháng 1/2022 TP mở rộng phạm vi đón khách du lịch quốc tế, cho phép tất cả các doanh nghiệp lữ hành quốc tế đủ điều kiện theo quy định được phép phục vụ khách du lịch quốc tế đến TP thông qua các chuyến bay thuê chuyến và thương mại quốc tế thường lệ, thông qua các phương tiện du lịch đường thủy.
Từ tháng 4, TP.HCM dự kiến mở cửa lại hoàn toàn đối với thị trường khách du lịch quốc tế.
Theo thống kê của UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện trên địa bàn thành phố chỉ còn khoảng 50% số lượng doanh nghiệp lữ hành đang hoạt động. Trong đó, có đến 90% doanh nghiệp lữ hành vừa và nhỏ, doanh nghiệp lữ hành chuyên kinh doanh thị trường inbound đã tạm ngưng hoạt động.
Một số doanh nghiệp lớn vốn tư nhân chỉ bố trí nhân sự trực tại công ty, doanh nghiệp vốn nhà nước cũng hoạt động cầm chừng, một số doanh nghiệp dựa trên nguồn vốn dự phòng còn lại để hoạt động.
Bên cạnh đó các doanh nghiệp đều cắt giảm từ 50-80% lao động để duy trì hoạt động kinh doanh trong giai đoạn khó khăn này.