|
Năm 2007, UBND TP.HCM chấp thuận cho Công ty Môi trường Đô thị xây dựng bãi chôn lấp số 3 ở Khu xử lý chất thải Phước Hiệp, Củ Chi với kinh phí dự kiến 900 tỷ đồng. Đến tháng 9/2013, bãi chôn lấp số 3 đi vào hoạt động, tiếp nhận khoảng 2.000 tấn rác/ngày, để đến năm 2022 đóng bãi.
'Lãng phí cực kỳ lớn'
Tháng 2/2014, Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín chỉ đạo: Giao Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM chuẩn bị kỹ đề án chuyển khối lượng chất thải rắn sinh hoạt của TP về Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước, giảm khối lượng chất thải rắn sinh hoạt xử lý tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Phước Hiệp.
Bãi chôn lấp rác số 3 ở Phước Hiệp, Củ Chi. Ảnh: AT&T. |
Kết luận này đã gây ra nhiều phản ứng từ chính lãnh đạo UBND TP.HCM cũng như các sở, ngành. Từ đó, cũng dấy lên nghi ngờ về việc TP.HCM đóng cửa Phước Hiệp nhằm tạo thế độc quyền về chôn lấp rác cho Công ty Xử lý Chất thải Việt Nam (Vietnam Waste Solutions - VWS, chủ đầu tư khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước).
Bên cạnh đó, đầu năm 2016, Thanh tra TP HCM cũng kết luận, mỗi năm TP mất thêm 48 tỷ đồng cho xử lý chôn lấp rác giá cao khi chuyển 2.000 tấn rác/ngày ở bãi rác Phước Hiệp về Đa Phước.
Ngày 20/3/2015 ông Lê Mạnh Hà, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, có văn bản gửi Thường trực Thành ủy, trong đó khẳng định việc “thực hiện đóng bãi xử lý số 3 khu Phước Hiệp sai quy định về xử lý vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường”.
Ông Lê Mạnh Hà cũng nhận định: “Việc vội vã đóng cửa Phước Hiệp, chuyển rác cho Đa Phước là lãng phí cực kỳ lớn. Nên nếu tiếp tục thực hiện thì sẽ là hành vi cố ý làm trái, gây hậu quả nghiêm trọng”.
'Vi phạm luật cạnh tranh, ảnh hưởng an ninh rác'
Với việc đóng cửa bãi chôn Phước Hiệp, chuyển 2.000 tấn rác về Đa Phước, biến nơi đây này thành bãi chôn lấp rác duy nhất cho TP hơn 8 triệu dân. Ông Lê Mạnh Hà, nay là Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, thời điểm 2015 đặt nghi vấn về việc Đa Phước độc quyền khi nhận 100% rác chôn lấp của TP.
“Toàn bộ rác chôn lấp (5.000 tấn/ngày) là do Đa Phước thực hiện thì chắc chắn đây là hành vi độc quyền. Nghiêm trọng hơn, độc quyền này không phải do Đa Phước trực tiếp tạo nên mà do chính quyết định của lãnh đạo TP”, ông Lê Mạnh Hà viết gửi Thường trực Thành ủy TP.HCM khi còn làm Phó chủ tịch UBND TP.
Theo ông Hà, việc VWS xử lý lượng rác 5.000 tấn/ngày trong tổng số 6.700 tấn/ngày (khoảng 75%) lượng rác của TP cũng là dấu hiệu vi phạm điều cấm của Luật Cạnh tranh.
Theo điều 11 Luật Cạnh tranh, doanh nghiệp được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường nếu có thị phần từ 30% trở lên trên thị trường liên quan hoặc có khả năng gây hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể.
Toàn bộ rác chôn lấp (5.000 tấn/ngày) do Đa Phước thực hiện thì chắc chắn đây là hành vi độc quyền. Nghiêm trọng hơn, độc quyền này không phải do Đa Phước trực tiếp tạo nên mà do chính quyết định của lãnh đạo TP.
Văn bản của UBND TP.HCM do Phó chủ tịch Lê Mạnh Hà ký.
“Như vậy rõ ràng VWS sẽ trở thành độc quyền không chỉ trong lĩnh vực chôn lấp rác mà còn trong toàn bộ hoạt động xử lý rác và cản trở phát triển tái chế và đốt rác thải”, ông Hà cảnh báo.
Trước đó, trong tháng 1 và tháng 2/2014, UBND TP.HCM có hai văn bản do Phó chủ tịch Lê Mạnh Hà ký, liên tiếp lưu ý các sở, ngành TP.HCM về những ảnh hưởng khi thực hiện chủ trương đóng cửa Phước Hiệp, dồn rác cho Đa Phước. Văn bản ngày 10/2/2015 cho rằng, việc đóng cửa bãi chôn lấp số 3 sẽ gây thiệt hại khoảng 400 tỷ đã đầu tư, 300 công nhân không có việc làm và nhiều thiệt hại khác nữa.
Văn bản của UBND TP cũng dẫn điều 15 Luật Cạnh tranh quy định các sản phẩm dịch vụ công ích do Nhà nước ấn định giá. Tuy nhiên, hiện nay TP thoả thuận giá xử lý rác với Công ty TNHH xử lý chất thải rắn Việt Nam (VWS) tại Đa Phước là không đúng quy định..
Công nhân nghỉ ngơi sau ca làm việc trong Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước. Ảnh: Tiến Tuấn. |
Thực tế, ngay khi Đa Phước đề nghị điều chỉnh giấy phép đầu tư, nâng công suất xử lý rác lên 10.000 tấn/ngày, đã xuất hiện không ít nghi ngại từ các sở ngành.
Trong năm 2013, Sở Tài nguyên & Môi trường TP.HCM gửi Sở Kế hoạch & Đầu tư cho rằng đề nghị nâng công suất cho Đa Phước là không có cơ sở.
“Ảnh hưởng trực tiếp đến các dự án đang thực hiện cũng từng bước TP phải áp dụng các công nghệ thân thiện với môi trường theo tỷ lệ như sau: giảm chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt còn 40-50%, xử lý rác thành phân compost 30-40% và đốt rác tái tạo năng lượng”, văn bản của Sở Tài nguyên & Môi trường viết.
Mỗi năm chi thêm 90 tỷ đồng
Về giá xử lý rác cho 2.000 tấn/ngày từ Phước Hiệp chuyển qua Đa Phước, tờ trình gửi UBND TP ngày 16/10/2014 của liên Sở Tài chính và Sở Tài nguyên & Môi trường cho thấy giữa các sở, ngành và VWS vẫn chưa có thống nhất.
Các sở, ngành thống nhất đơn giá xử lý rác đối với khối lượng rác tiếp nhận thêm của VWS không cao hơn đơn giá xử lý của Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TP tại bãi chôn lấp số 3 ở Phước Hiệp là 360.000 đồng/tấn
Theo tính toán của Sở Tài nguyên & Môi trường với khối lượng khoảng 2.000 tấn/ngày chôn lấp ở Phước Hiệp, hàng năm phải trả cho Công ty Môi trường Đô thị là 263,8 tỷ đồng. Trong khi đó, nếu thanh toán theo đơn giá hiện TP trả cho Đa Phước để xử lý 3.000 tấn/ngày, thì ngân sách TP phải chi trả thêm hàng năm khoảng 90,2 tỷ đồng với cùng một khối lượng rác xử lý. Thanh tra TP.HCM cho rằng mỗi năm TP mất thêm 48 tỷ đồng.
Bản đồ vị trí từ Trung tâm TP.HCM đến 2 Khu Xử lý Chất thải Phước Hiệp và Đa Phước. Đồ họa: Phượng Nguyễn. |
Cũng theo Sở Tài nguyên Môi trường, công nghệ xử lý rác tại bãi số 3 của Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị và tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước của VWS là tương tự (đều là chôn lấp).
Tuy nhiên, phản bác lại quan điểm của các sở, ngành, VWS đề nghị áp dụng theo đơn giá xử lý rác hiện tại của công ty (20,166 USD/tấn). Lý do là VWS chưa đủ cơ sở để tính toán đơn giá xử lý rác với khối lượng tăng thêm như đề nghị của các sở ngành (không cao hơn 360.000 đồng, tức khoảng 17 USD/tấn).
Bộ Xây dựng ngày 12/11/2014 cũng có ý kiến: việc điều chỉnh nâng công suất tiếp nhận rác thải của dự án từ 3.000 tấn/ngày lên 10.000 tấn/ngày của Đa Phước. Việc này đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến hầu hết các hạng mục hạ tầng kỹ thuật và công suất các hạng mục trong dây chuyền công nghệ xử lý rác cũng như thời gian hoạt động theo mục tiêu ban đầu của dự án.
Tuy vậy, sau những cảnh báo từ Phó chủ tịch UBND TP và các sở-ngành, ngày 3/2/2015 Ban cán sự đảng UBND TP ra kết luận: Giao UBND TP tiếp tục triển khai thực hiện chủ trương của Thường trực Thành uỷ và Nghị quyết của Hội đồng nhân dân TP về việc chấm dứt hoạt động của bãi rác số 3 Khu liên hợp xử lý chất thải Phước Hiệp, huyện Củ Chi và chuyển khối lượng rác phát sinh về Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước.
UBND trong văn bản ngày 10/2/2015 cho rằng: "Giá xử lý rác cao đem lại lợi nhuận hàng năm của VWS từ 25-40%, cao hơn rất nhiều lần so với doanh nghiệp khác hoạt động cùng lĩnh vực khi Công ty Môi trường Đô thị có tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu là 3%/năm".
Trong ý kiến của mình gửi Thường trực Thành ủy đầu năm 2015, ông Lê Mạnh Hà cho rằng: Hành vi độc quyền của VWS gây ra một loạt hậu quả như giá chôn lấp rác cao; Mất an toàn về xử lý rác. Vì chỉ có một bãi chôn lấp thì khi xảy ra sự cố sẽ không có nơi chôn lấp, tác động xấu đến xã hội.
Đóng cửa bãi số 3 Phước Hiệp, thiệt hại 1.000 tỷ đồng
Đầu năm 2016, Thanh tra TP.HCM cũng tiếp tục kiến nghị về việc đóng cửa bãi rác số 3 ở Khu xử lý chất thải Phước Hiệp, dồn rác về Đa Phước. Báo cáo này nêu rõ: “Hiện nay, bãi chôn lấp số 3 đang trong quá trình đầu tư, chưa hoàn thiện được các hạng mục công trình, nếu không tiếp tục đầu tư hoàn thiện thì sẽ không đáp ứng được yêu cầu làm bãi dự phòng của TP. Bên cạnh đó, sẽ gây lãng phí ngân sách hơn 1.000 tỷ đồng (số tiền 600 tỷ đồng đơn vị đã đầu tư và số tiền 400 tỷ đồng dự kiến bồi thường cho nhà đầu tư Hàn Quốc).
Từ đó, Thanh tra cũng kiến nghị với Chủ tịch UBND TP xem xét, cân nhắc chủ trương đóng của bãi chôn lấp số 3 Phước Hiệp, nhằm tránh lãng phí ngân sách nhà nước.