|
Tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 31/8, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà nhận định qua ý kiến ban đầu của Sở TN&MT TP.HCM, hoạt động của toàn bộ Khu liên hợp xử lý rác thải Đa Phước là nguyên nhân chính gây ra mùi hôi ở khu Nam Sài Gòn.
Trước đó, khi mùi hôi bắt đầu tấn công khu vực quận 7, Nhà Bè, nhiều nghi ngờ đã đổ dồn về khu xử lý rác khổng lồ này. Các chuyên gia môi trường cũng nhận định bãi rác Đa Phước nằm ở đầu hướng gió từ biển thổi vào nên mùi hôi rất dễ phát tán trên diện rộng.
Có tuân thủ quy chuẩn xử lý rác?
Năm 2001, Bộ Xây dựng ban hành quyết định 17 về “Định mức dự toán chuyên ngành vệ sinh môi trường đô thị”. Đây là căn cứ để lập kế hoạch, xây dựng đơn giá, dự toán và thanh quyết toán khối lượng công tác của chuyên ngành vệ sinh môi trường đô thị, có hiệu lực áp dụng trong cả nước.
Quy định dành cho công tác xử lý rác tại bãi chôn lấp với kỹ thuật đơn giản và công suất từ 500 tấn/ngày đến 3.000 tấn/ngày ghi rõ các loại vật liệu, dụng cụ, nhân công, máy móc với số lượng rất cụ thể. Trong đó, số hoá chất khử mùi được thống kê như sau: đất, hoá chất diệt ruồi, sumithion 50EL, EM thứ cấp, Bokashi, Permethin, Basudin 40ND, DDVP.
Yêu cầu kỹ thuật của quy định này là độ dày lớp rác sau khi đầm nén để phủ đất từ 2,5m đến 3m. Độ dày lớp đất phủ trên rác từ 0,5 đến 0,7 m.
Một chuyên gia về môi trường khẳng định, nếu thực hiện đúng các yêu cầu kỹ thuật cũng như tiến hành phun hoá chất, lấp đất theo đúng quy chuẩn thì khả năng bốc mùi rất thấp.
Trong thỏa thuận với TP.HCM vào năm 2005, California Waste Solutions (CWS) chủ đầu tư 100% vốn vào Công ty Xử lý Chất thải Việt Nam (VWS), nói rõ sẽ đảm bảo vận hành nhà máy theo đúng quy định của Chính phủ Việt Nam về bảo vệ môi trường. Xử lý nước rỉ rác và khí bãi rác một cách nghiêm ngặt, bảo vệ nguồn nước mặt và nước ngầm. Hạn chế tối đa mùi hôi từ bãi chôn lấp rác.
Trước thỏa thuận này trong giải trình gửi lãnh đạo TP.HCM, CWS cho biết chọn lớp che phủ hàng ngày bằng đất nếu không sẽ bị sạt lở như bãi Phước Hiệp 2 và không khỏa lấp được mùi hôi.
Bãi ra Đa Phước nằm đầu hướng gió Tây Nam thổi về trung tâm TP.HCM. Đồ họa: Phượng Nguyễn. |
Tuy nhiên, trong báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án xây dựng và vận hành khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước, phía nhà đầu tư California Waste Solution chỉ ghi chung chung hoá chất, EM…
Một số chỉ tiêu như NH3, H2S ở bãi rác Đa Phước có diễn biến bất thường. Chất lượng nước mặt ở xung quanh Khu liên hợp có dấu hiệu ô nhiễm chất hữu cơ, dinh dưỡng và sắt.
Trích kết luận của Thanh tra TP.HCM 2016
Theo ông David Dương thì sau khi rác được dầm nén đúng quy trình, VWS cho thiết bị phun xịt chất Poshi shell (gồm có chất vôi, chất sỏi, chất xi măng và thuốc khử mùi, diệt côn trùng được pha trộn) được phun xịt lên bề mặt của rác, sau đó những tấm bạt hoặc tấm lót HDPE được che đậy lên để không cho mùi hôi phát tán.
Tuy nhiên việc có phủ lớp đất hay không thì ông David Dương không đề cập.
Kết luận của Thanh tra TP.HCM năm 2016 cho biết một số chỉ tiêu như NH3, H2S ở bãi rác Đa Phước có diễn biến bất thường, cần theo dõi. Chất lượng nước mặt ở xung quanh Khu liên hợp ở các kênh Rạch Chiếc, Rạch Ngã Cạy và điểm tiếp giáp ngã ba Rạch Chiếc - sông Cần Giuộc có dấu hiệu ô nhiễm chất hữu cơ, dinh dưỡng và sắt.
Theo Thanh tra thì nguồn ô nhiễm này do sự lan truyền các chất ô nhiễm từ đầu nguồn đổ về. Đối với các thông số N-NO2 có sự gia tăng bất thường tại các vị trí xung quanh bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt.
Công nghệ Mỹ là công nghệ gì?
Tại biên bản thoả thuận được ký ngày 21/7/2005 giữa Sở TN&MT TP.HCM với CWS, công ty cam kết sẽ “trang bị cho khu liên hợp những thiết bị mới, chuyên dùng, được sản xuất tại Mỹ và nước ngoài. Áp dụng công nghệ hiện đại của Mỹ, thích hợp với môi trường TP.HCM”.
“Dự kiến xây dựng nhà máy sản xuất phân bón với công suất 1.000 tấn/ngày, nhà máy phân loại vật liệu tái chế công suất 500 tấn/ngày, nhưng vì tính thận trọng của dự án và tính cẩn trọng của riêng mình, công suất đề xuất xử lý trong 3 năm đầu cho nhà máy sản xuất phân bón là 100 tấn/ngày”, thoả thuận này ghi rõ.
Theo quy định của Luật đầu tư nước ngoài, công nghệ chuyển giao hay góp vốn bằng bí quyết công nghệ phải được Bộ Khoa học và Công nghệ chấp thuận. Tuy nhiên, tại dự án Đa Phước, không có công nghệ nào được chuyển giao.
Trước đó, trong công văn góp ý cho dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước vào năm 2004, Bộ Khoa học Công nghệ cũng lưu ý “phải làm rõ nội dung chuyển giao công nghệ và chi phí cho chuyển giao công nghệ trong dự án”.
Trong báo cáo gửi Thủ tướng ngày 12/7/2005, Bộ Kế hoạch Đầu tư cũng nhận định: “Quy mô dự án có thể tiếp nhận 2.500-3.000 tấn/ngày, trong đó phân loại tái sinh khoảng 500 tấn/ngày; chế biến phân compost khoảng 100 tấn/ngày (3-4%); còn lại là chôn lấp, khoảng 75-80%”.
Bộ cho rằng “công nghệ của dự án chủ yếu là chôn lấp, khu vực địa điểm lại trũng, vấn đề xử lý nước rỉ rác trong quá trình chôn lấp là một nội dung rất quan trọng, nhưng chưa được đề cập thoả đáng trong hồ sơ dự án…"
Các vấn đề phát sinh trong quá trình ủ compost như mùi hôi, nước rò rỉ, ảnh hưởng của thời tiết… đều cần được khống chế, Bộ Kế hoạch & Đầu tư nhận xét. Kỹ thuật ủ có tiến bộ như giảm thiểu diện tích xử lý, rút ngắn thời gian ủ, vận hành đơn giản, ít nguy cơ hoả hoạn. Công nghệ này chưa được thử nghiệm và đánh giá kết quả. Thiết bị không nêu mới cũ, chủng loại cụ thể.
Công nghệ của bãi rác Đa Phước chỉ đơn thuần là chôn lấp cũng là kết luận của Thanh tra TP.HCM đầu năm 2016. “Theo hợp đồng xử lý chất thải đã ký với Sở TN&MT ngày 28/2/2006, Công ty VWS tiếp nhận khối lượng chất thải rắn sinh hoạt sau đó tiến hành phân loại, tái chế sản xuất phân compost, tái sử dụng plastic, phần còn lại không sử dụng được đưa đi chôn lấp”.
“Tuy nhiên, trong thực tế, Công ty VWS không thực hiện phân loại, tái chế sản xuất phân compost, tái sử dụng plastic vì TP chưa cung cấp được chất thải đã phân loại tại nguồn. Do đó, hiện nay lượng chất thải rắn sinh hoạt tiếp nhận, Công ty VWS thực hiện chôn lấp toàn bộ”, kết luận của Thanh tra TP.HCM khẳng định.
Lớp phủ được nén chặt bằng các khối bê tông tròn với mật độ khá dày. Tuy nhiên nhiều đoạn chân rìa trong bãi rác Đa Phước có những tấm bạt đã thủng, hở lượng lớn rác thải.
Ảnh: Tiến Tuấn. |
Không có kinh nghiệm thu gom rác thải quy mô lớn
Ngay tại Mỹ, nơi CWS hoạt động từ 1991 và được xếp hạng 37 theo bảng xếp hạng 100 công ty hàng đầu trong ngành xử lý chất thải của Mỹ do tạp chí Waste Age bình chọn, công ty này cũng không có kinh nghiệm nào trong việc thu gom rác thải quy mô lớn.
Hoạt động của CWS tập trung ở 2 lĩnh vực, đều gắn với rác tái chế: quản lý, thu gom rác tái chế và kinh doanh vật liệu tái chế.
Trở về Việt Nam với dự án lớn ở Đa Phước, CWS đã làm dày hồ sơ kinh nghiệm xử lý rác thải của mình, với việc phục vụ hơn 3 triệu hộ gia đình trên toàn thế giới. Thay vì khai thác thế mạnh lâu năm tại Mỹ về thu gom và xử lý rác tái chế, CWS cam kết xây dựng bãi chôn lấp, nhà máy phân loại rác và nhà máy sản xuất phân compost, nhờ đó hưởng giá rác cao hơn các đơn vị khác vào thời điểm đó.
Đáng tiếc, như ông David Dương thừa nhận trong trao đổi với Zing.vn, “cho đến nay, 2 nhà máy vẫn nằm trùm mền”. Trong khi đó, người dân và chính quyền TP.HCM đã và đang trả phí cao cho “công nghệ hiện đại của Mỹ”, thực chất mới dừng ở chôn lấp.
Ngày 3/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có ý kiến chỉ đạo UBND TP HCM làm rõ nguyên nhân gây ô nhiễm không khí tại quận 7, huyện Nhà Bè, Bình Chánh và Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, đồng thời có phương án giải quyết tình trạng này.
Trước đó, liên tục từ ngày 23/8, Zing.vn đã có nhiều bài viết phản ánh tình trạng người dân phía nam TP.HCM phải chịu đựng mùi hôi thối. Người dân "tố" mùi hôi này phát xuất từ Khu Xử lý chất thải Đa Phước, huyện Bình Chánh, TP.HCM. Trên Zing.vn, các chuyên gia môi trường cũng đặt vấn đề quy hoạch bãi rác ở đầu hướng gió làm mùi hôi lan rộng.