Sáng sớm 22/12, người dân TP.HCM đi làm trong tiết trời se lạnh, có mưa vài nơi. Theo ông Lê Đình Quyết, Phó phòng Dự báo Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, kiểu thời tiết này sẽ duy trì đến dịp Giáng sinh (24-25/12).
"Dù ngoài Biển Đông đang có áp thấp nhiệt đới nhưng khả năng áp thấp này sẽ không ảnh hưởng đến đất liền quá nhiều, chỉ mưa vài nơi. Thời tiết TP.HCM có thể còn đẹp vào Giáng sinh", ông Quyết cho hay.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh từ phía bắc và áp thấp nhiệt đới ở phía nam, hôm nay, thời tiết TP.HCM và các tỉnh Nam Bộ có nắng gián đoạn. Chiều và tối xuất hiện mưa rào rải rác, có nơi mưa vừa, mưa to và dông. Trong cơn dông, người dân cần đề phòng lốc, sét và gió giật mạnh.
Chỉ số AQI tại TP.HCM lúc 6h45 ngày 22/12 theo ứng dụng PAMAir (ảnh trước) và AirVisual (ảnh sau). |
Đáng chú ý, sáng sớm nay, các ứng dụng quan trắc không khí cho thấy chỉ số AQI tại hầu hết điểm quan trắc tại TP.HCM đều ở ngưỡng trong lành.
Lúc 6h45 ngày 22/12, bản đồ chất lượng không khí của ứng dụng PAMAir cho thấy các điểm quan trắc đều dưới 50 đơn vị. Nơi có chỉ số AQI cao nhất là điểm quan trắc trên đường Nguyễn Công Trứ (quận 1) với 51 đơn vị - ngưỡng trung bình.
Tương tự, các số liệu từ AirVisual cũng cho thấy chất lượng không khí tại TP.HCM đều ở ngưỡng trong lành với chỉ số AQI dưới 50 đơn vị. Theo thống kê từ AirVisual trong 3 ngày qua (19-21/12), TP.HCM đều có chất lượng không khí tốt.
Dự báo trong một tuần tới, chất lượng không khí tại TP.HCM ở ngưỡng trung bình - dưới 100 đơn vị.
Người dân TP.HCM có thể đón Giáng sinh trong tiết trời se lạnh. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Trên Biển Đông, bão số 14 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Lúc 1h ngày 22/12, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới cách bãi Huyền Trân khoảng 220 km về phía đông đông bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60 km/h), giật cấp 9.
Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng tây, mỗi giờ đi được 15-20 km. Đến 1h ngày 23/12, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới cách bãi Huyền Trân khoảng 180 km về phía tây tây bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50 km/h), giật cấp 8.
Trong 24-48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng tây, mỗi giờ đi được khoảng 15-20 km và suy yếu dần thành một vùng áp thấp. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40 km/h).
Vùng biển phía Tây khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Tây quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9. Biển động mạnh, sóng biển cao từ 4-6 m. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do áp thấp nhiệt đới ở cấp 3.
Ngoài ra, ở vùng biển từ Bà Rịa đến Vũng Tàu đến Cà Mau (bao gồm vùng biển TP.HCM) và vùng biển từ Cà Mau đến Kiên Giang (bao gồm Phú Quốc, Thổ Chu) có mưa rào và dông rải rác. Riêng vùng biển phía tây khu vực nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía tây quần đảo Trường Sa) có mưa rào và dông mạnh. Trong cơn dông, người dân cần đề phòng khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh.