Sáng 18/12, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn cho biết không khí lạnh tăng cường đã ảnh hưởng đến một số khu vực vùng núi phía bắc khiến nhiệt độ tiếp tục giảm sâu. Trong đêm qua, mức nhiệt thấp nhất ghi nhận được ở Mẫu Sơn (Lạng Sơn) đã xuống ngưỡng 1 độ C, Sa Pa (Lào Cai) ghi nhận 4,4 độ C.
Tại Hà Nội, mức nhiệt thấp nhất trong đêm qua là 11,6 độ C, quan trắc được ở trạm Hà Đông. Trong ngày, nhiệt độ dao động 13-15 độ C, rét đậm kéo dài suốt cả ngày.
Trong hôm nay, không khí lạnh tăng cường sẽ ảnh hưởng đến những nơi khác ở Đông Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, sau đó mở rộng sang Tây Bắc Bộ và Trung Trung Bộ. Các khu vực trên chìm trong khối không khí lạnh và khô khiến nhiệt độ tiếp tục xuống thấp.
Khu vực Mẫu Sơn thường xuất hiện băng tuyết khi nhiệt độ xuống thấp. Ảnh: Lan Hương. |
Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Khí hậu (Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia), cho biết đợt không khí lạnh tăng cường này sẽ gây mưa nhỏ, rải rác cho các tỉnh Đông Bắc Bộ và Thanh Hóa. Khu vực từ Nghệ An đến Khánh Hòa có thể xuất hiện mưa vừa, mưa to.
Tại Bắc Bộ, nhiệt độ tiếp tục giảm 1-2 độ C so với những ngày trước đó. Mức nhiệt thấp nhất tại đồng bằng dao động 10-13 độ C, vùng núi 7-10 độ C. Các khu vực núi cao tiếp tục có nguy cơ xảy ra băng giá khi nhiệt độ thấp nhất dưới 5 độ C.
"Chúng tôi nhận định khu vực rét nhất lần này vẫn là các tỉnh vùng núi, trung du phía bắc. Nguyên nhân là các khu vực này vừa có tác động mạnh của không khí lạnh, vừa có sự giảm nhiệt do địa hình núi cao", ông Hưởng nói.
Chuyên gia cho biết đợt rét đậm, rét hại này có thể kéo dài đến hết ngày 20/12. Sau đó, khu vực tăng nhiệt vào ban ngày với nhiệt độ cao nhất có thể đạt 19-20 độ C, có nắng nhẹ.
Theo trang dự báo Accuweather, Hà Nội ghi nhận mức nhiệt thấp nhất trong tuần là 10 độ C vào ngày 20/12. Tuần tới, rét đậm, rét hại vẫn còn nhưng chỉ xuất hiện vào ban đêm và sáng sớm. Ban ngày, nhiệt độ tăng lên ngưỡng 20-22 độ C, trời lạnh.
Trước tình hình rét đậm, rét hại tiếp diễn dài ngày, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai khuyến cáo các địa phương triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân, nhất là với người già, trẻ nhỏ, học sinh, như hạn chế ra trời lạnh, mặc đủ ấm, không dùng bếp than để sưởi ấm trong phòng kín.
Các biện pháp ứng phó cho vật nuôi, cây trồng, thủy sản cũng cần lưu ý để giảm thiểu mức độ thiệt hại về sản xuất, chú trọng đàn đại gia súc và các cơ sở chăn nuôi tập trung ở khu vực đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa.
Ngoài ra, căn cứ vào tình hình thời tiết, các địa phương có thể chủ động cho học sinh nghỉ học.
Dự báo thời tiết Hà Nội trong 5 ngày. Đồ họa: Mỹ Hà. |