UBND TP.HCM vừa kiến nghị Thủ tướng chấp thuận chủ trương sử dụng khu đất 3 ha tại khu vực trường đua Phú Thọ, quận 11 để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án Trung tâm Thể dục Thể thao Phan Đình Phùng (quận 3).
Dự án Trung tâm Thể dục Thể thao Phan Đình Phùng được thực hiện theo hình thức BT với tổng vốn khoảng 1.500 tỷ đồng. Chủ đầu tư thực hiện dự án là Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt (PDR). Trung tâm thể dục thể thao này gồm cụm nhà thi đấu chính và khu vực nhà tập luyện đa năng.
Trường đua Phú Thọ sẽ cắt 3 ha đất đổi cho nhà đầu tư xây dựng nhà thi đấu Phan Đình Phùng. |
Ngoài 2-3 tầng hầm để xe cùng một tầng dành cho khối văn phòng, điểm nhấn của cụm nhà thi đấu chính là sân thi đấu với khán đài có sức chứa 4.000 chỗ, mặt sàn đấu có chu vi 40 m x 60 m, bảo đảm tổ chức các môn thể thao trong nhà, kể cả môn cần nhiều mặt bằng cùng lúc nhất là thể dục dụng cụ. Đi kèm là các phòng chức năng dành cho ban tổ chức giải, trọng tài, vận động viên, báo chí, kỹ thuật...
Cụm nhà tập luyện gồm các khu vực phụ trợ như đường chạy phủ nhựa tổng hợp, phòng tập thể lực, sân tennis, cầu lông, bóng rổ… tách khỏi hoạt động thi đấu.
Dự kiến công trình được khởi công đầu năm 2018, hoàn thành cuối năm 2020.
Cũng tại khu vực trường đua Phú Thọ, UBND TP.HCM sẽ trình Hội đồng nhân dân TP.HCM quyết định chủ trương đầu tư dự án xây dựng rạp xiếc và biểu diễn đa năng Phú Thọ.
Trước đó, TP.HCM cũng có đề án gửi Thủ tướng và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, về việc kế hoạch đầu tư và bố trí vốn cho các công trình phục vụ Seagame 3. Theo đó, ngoài 22 địa điểm là các sân vận động, nhà thi đấu phải đầu tư nâng cấp hơn 200 tỷ đồng, TP.HCM phải hoàn thành 2 công trình lớn, gồm Khu liên hợp thể dục thể thao Rạch Chiếc, Nhà thi đấu Phan Đình Phùng và nhiều công trình khác có vốn đầu tư 15.600 tỷ đồng.
Với Khu liên hợp Thể dục thể thao quốc gia Rạch Chiếc tại phường An Phú, quận 2, thành phố cũng đang lên kế hoạch đầu tư với 12 hạng mục chính, tổng vốn lên đến hơn 8.000 tỷ đồng. Để chủ động trong quá trình thực hiện giải phóng mặt bằng và đảm bảo phù hợp với tiến độ huy động vốn, TP.HCM dự kiến tách dự án bồi thường giải phóng mặt bằng toàn khu thành tiểu dự án riêng và kêu gọi đầu tư theo từng hạng mục công trình.
Các công trình thể thao lớn này sẽ tập trung đầu tư và hoàn thành đến năm 2021.