Ngày 31/10, UBND TP.HCM có báo cáo kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em trên địa bàn giai đoạn 2015-2019.
Cho rằng Việt Nam chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm cung cấp cũng như các đầu mối tiếp nhận xử lý thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em, TP kiến nghị Bộ Tư pháp thiết lập các đơn vị cảnh sát chuyên biệt về bảo vệ trẻ em và đề xuất sớm có hướng dẫn cụ thể, thống nhất về các tội liên quan đến xâm hại tình dục đối với người dưới 16 tuổi trong Bộ Luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.
Vụ việc đối tượng Nguyễn Hữu Linh phạm tội Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi được TP.HCM đưa vào báo cáo. Ảnh: Thuận Thắng. |
Theo thống kê của TP.HCM, từ năm 2011 đến 2014, địa phương có 691 trẻ em bị bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục. Con số này tiếp tục tăng trong giai đoạn 2015 đến tháng 6/2019 với 782 trẻ bị bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục. Trong đó có 43 trẻ em trai (5,5%) và 739 trẻ em gái (94,5%).
TP.HCM thừa nhận con số này có thể chưa phản ánh thực tế do nhiều gia đình chọn im lặng và khả năng nhận thức của trẻ về vấn đề xâm hại là chưa đầy đủ. Địa phương này nhận định tình hình tội phạm xâm hại trẻ em có chiều hướng giảm về số vụ nhưng ngày càng diễn biến phức tạp, hình thức chủ yếu là xâm hại tình dục. Độ tuổi trẻ bị xâm hại ngày càng nhỏ, tập trung nhiều ở độ tuổi từ 13 đến dưới 16 (đa số là trẻ em gái).
UBND TP.HCM dự báo trong tương lai các tội xâm phạm tình dục trẻ em có dấu hiệu tăng và diễn biến phức tạp hơn cả về thủ đoạn, tính chất và hậu quả.