Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TP.HCM đề xuất mức thu nhập tiền tỷ để chiêu mộ nhân tài

Ngoài trợ cấp, chế độ lương đặc biệt, các chuyên gia, nhà khoa học có thể nhận được mức thưởng lên tới 1 tỷ đồng cho các công trình nghiên cứu được đánh giá cao.

Sở Nội vụ vừa trình dự thảo Đề án thu hút chuyên gia, nhà khoa học và lao động sáng tạo trẻ về làm việc giai đoạn 2018-2022 lên UBND TP.HCM. Đây là một trong những công việc nhằm triển khai Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM vừa được Quốc hội thông qua cuối năm 2017.

Đối với các chuyên gia, nhà khoa học, TP.HCM đưa ra khung tiêu chuẩn khá cao, bao gồm bằng cấp chuyên môn, thời gian công tác và thành tích như hoàn thành các đề tài, công trình nghiên cứu khoa học được công nhận.

TP.HCM chieu mo nhan tai anh 1
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân (thứ hai từ bên phải) đặc biệt chú trọng vào việc thu hút nhân tài cho TP.HCM. Ảnh: Tùng Tin.

Các ứng cử viên sẽ trải qua hai vòng tuyển chọn: Sơ tuyển dựa vào hồ sơ và vòng sát hạch gồm một bài kiểm tra kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ. Trong đó, nguyên tắc lựa chọn người trúng tuyển nếu ứng viên bằng điểm nhau, TP sẽ chọn người trẻ tuổi hơn, ưu tiên ứng viên nữ, trừ trường hợp vị trí cần tuyển có điều kiện làm việc khắc nghiệt.

Những chuyên gia được lựa chọn sẽ nhận được mức trợ cấp ban đầu từ 80-100 triệu đồng. Ngoài ra, người thực hiện các công trình, đề án, sáng kiến được hưởng phụ cấp khuyến khích bằng 1% tổng kinh phí ngân sách TP chi trả cho công trình đó. Tổng mức hỗ trợ không thấp hơn 50 triệu đồng/người/công trình nghiên cứu. Mức thưởng tối đa có thể lên tới 1 tỷ đồng/người/công trình nghiên cứu.

TP.HCM cũng bố trí nhà công vụ cho các chuyên gia, nhà khoa học có nhu cầu nhà ở. Trường hợp không bố trí được, TP sẽ hỗ trợ tối đa 50% kinh phí thuê nhà nhưng số tiền hỗ trợ không vượt quá 7 triệu đồng/tháng.

Các lĩnh vực thu hút nhân tài tập trung vào 4 ngành công nghiệp mũi nhọn như cơ khí, điện tử - công nghệ thông tin, hoá dược – cao su, chế biến và các ngành công nghiệp sạch, tiết kiệm năng lượng, công nghiệp phụ trợ. Ngoài ra, còn có  9 ngành dịch vụ liên quan đến tài chính ngân hàng, vận tải, xuất nhập khẩu, du lịch, giáo dục, y tế... cũng đang trong tình trạng “khát nhân tài”.

Tuy đã có nhiều chính sách để giải quyết tình trạng “khát nhân lực”, trong 4 năm (2014-2017), thành phố mới chỉ thu hút được 15 chuyên gia (trong đó có 5 chuyên gia nước ngoài, 2 người Việt Nam và 8 người Việt Nam đang định cư ở nước ngoài. Đến nay, chỉ còn khoảng 10 trường hợp đang tiếp tục làm việc.

TP.HCM được đề xuất những cơ chế, chính sách đặc thù gì? Dự thảo Nghị quyết thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM đề xuất thành phố có thêm quyền tự quyết với ngân sách để đầu tư cơ sở hạ tầng.

TP.HCM với tham vọng kết hợp 3 quận thành trung tâm đô thị sáng tạo

"Khu đô thị sáng tạo với dân số gần 1 triệu người làm hạt nhân để TP.HCM triển khai cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4", Bí thư TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ dịp tết Mậu Tuất.


Nam Chi

Bạn có thể quan tâm