Đề nghị trên là một phần trong nội dung tờ trình được UBND TP.HCM báo cáo với HĐND tại kỳ họp thứ 20 khóa IX sáng 9/7.
Một loạt tờ trình đề xuất điều chỉnh, chuyển đổi các nguồn ngân sách giữa các sở, ban, ngành, địa phương của thành phố để cân đối thu chi; đồng thời, UBND cũng đề xuất bổ sung nguồn vốn đầu tư công trung hạn cho 29 dự án.
Giảm thu nhập tăng thêm của cán bộ
Trong tờ trình về điều chỉnh giảm dự toán chi ngân sách năm 2020 của các sở, ngành, quận, huyện, Phó chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến lý giải sau khi Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM có chủ trương dùng nguồn dự phòng ngân sách chi cho phòng chống dịch Covid-19 và hỗ trợ người dân khó khăn, UBND TP.HCM đã giảm hệ số thu nhập với cán bộ, công chức, viên chức để hỗ trợ chống dịch.
Theo đó, tổng số thu nhập tăng thêm bị giảm là hơn 2.266 tỷ đồng, trong đó, cấp thành phố giảm 405 tỷ và cấp quận, huyện giảm 1.860 tỷ.
TP.HCM giảm thu nhập tăng thêm của cán bộ để chi hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Ngoài ra, sau khi rà soát thay đổi biên chế theo Nghị quyết 53 của HĐND, UBND TP cũng điều chỉnh giảm 26,6 tỷ đồng dự toán chi thường xuyên cho lương. Đồng thời, qua kiểm tra các nội dung chi dự kiến không triển khai trong năm 2020, thành phố cũng giảm được 210 tỷ chi dự kiến không sử dụng trong năm nay.
Như vậy, tổng dự toán chi ngân sách năm 2020 của TP.HCM giảm hơn 2.500 tỷ đồng.
Hỗ trợ người thu nhập thấp mua nhà
Ngoài giảm dự toán chi ngân sách, UBND TP cũng có tờ trình đề xuất HĐND cho phép bổ sung danh mục chi đầu tư phát triển khác năm 2020.
Cụ thể, tháng 12/2019, Nghị quyết 65 của HĐND đã thông qua gói 2.151 tỷ đồng vốn chi cho đầu tư phát triển khác. Trong đó, hơn 791 tỷ được bổ sung vốn điều lệ cho Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 và Quỹ Phát triển Đất TP.HCM.
Tuy nhiên, qua thực tế UBND nhận thấy hai đơn vị trên không sử dụng hết số vốn này. Trong khi đó, Quỹ Phát triển nhà ở TP.HCM mới được cấp 277 tỷ trong số 779 tỷ đồng vốn được thông qua để cho người có thu nhập thấp vay mua nhà trong giai đoạn 2016-2020.
Do đó, UBND TP đề xuất HĐND cho phép sử dụng phần vốn còn lại của 791 tỷ đồng trong Nghị quyết 65 kể trên để cấp bổ sung vốn điều lệ cho Quỹ Phát triển Nhà ở thành phố.
UBND đề xuất tăng vốn đầu tư công nhằm triển khai 29 dự án đang dang dở. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Bên cạnh đó, Phó chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến cũng có tờ trình đề xuất bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 từ nguồn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Cụ thể, Nghị quyết 13 năm 2017 của HĐND đã phân bổ chi tiết 135.000 tỷ và còn 15.000 tỷ cho nguồn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Từ đó đến nay, thành phố đã có 5 lần điều chỉnh nguồn dự phòng này và hiện còn hơn 2.510 tỷ đồng.
Qua rà soát, UBND xác định 29 dự án cần bổ sung vốn đầu tư công trung hạn để đẩy nhanh tiến độ với tổng số vốn là 1.769 tỷ đồng. Nhu cầu này phù hợp với khả năng cân đối từ nguồn dự phòng 2.510 tỷ kể trên. Do đó, UBND TP kiến nghị HĐND phê duyệt 1.769 tỷ nhằm bổ sung nguồn vốn cho kế hoạch vốn năm 2020.
Chuyển ngân sách từ sở cho UBND quận, huyện
UBND TP.HCM đề xuất HĐND chấp thuận chuyển 18,7 tỷ dự toán chi ngân sách Nhà nước năm 2020 của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho UBND 24 quận, huyện. Phần ngân sách này là kinh phí y tế, dân số và gia đình được bổ sung để 24 quận, huyện mua, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người có công tại TP.HCM trong 6 tháng cuối năm 2020.
Ngoài ra, UBND cũng đề xuất HĐND thu hồi 401 tỷ của 14 quận, huyện; đồng thời, tăng thêm 364 tỷ dự toán chi ngân sách Nhà nước năm 2020 cho Sở Y tế. Nguyên nhân là các bệnh viện và trung tâm y tế quận, huyện trực thuộc UBND quận, huyện được chuyển về Sở Y tế quản lý.