Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TP.HCM đang có hơn 3.000 doanh nghiệp của kiều bào

Đến nay, TP.HCM có hơn 3.000 doanh nghiệp kiều bào với số vốn hơn 45.000 tỷ đồng, thu hút hơn 400 trí thức về làm việc dài hạn.

Hội nghị "Doanh nhân kiều bào đồng hành cùng doanh nghiệp thành phố - kết nối để vươn xa". Ảnh: UBVNVNONN TP.

Tại hội nghị "Doanh nhân kiều bào đồng hành cùng doanh nghiệp thành phố - kết nối để vươn xa" tổ chức vào 18/10, đại diện Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài (BAOOV) cho biết hiện TP.HCM có khoảng hơn 3.000 doanh nghiệp do kiều bào đầu tư với số vốn hơn 45.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, tính đến nay có khoảng hơn 5,3 triệu người Việt sinh sống, làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, hơn 80% là ở các nước phát triển và khoảng hơn 2 triệu kiều bào có xuất thân hoặc có liên hệ với TP.HCM.

Đặc biệt, lượng doanh nhân, trí thức, chuyên gia có trình độ cao chiếm 10-12% trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Trung bình, mỗi năm kiều hối về Việt Nam khoảng hơn 10 tỷ USD, trong đó gửi về TP.HCM chiếm hơn 50%. Đây là nguồn vốn rất lớn phục vụ tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và TP.HCM.

Theo ông Peter Hồng, Phó chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, các doanh nhân, trí thức kiều bào luôn sẵn sàng và mong muốn trở về đầu tư, làm giàu và xây dựng quê hương.

Điều này có thể thấy rõ qua việc hàng trăm nghìn doanh nhân đã và đang tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, thúc đẩy xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các thị trường quốc tế.

Dù vậy, ông cho rằng Nhà nước vẫn cần nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác về người Việt Nam ở nước ngoài, đồng thời tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, sửa đổi, ban hành Luật Quốc tịch, Luật đất đai... cho phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay.

"TP.HCM có thể xem xét huy động vốn của kiều bào bằng cách phát hành trái phiếu trong những dự án công như cầu, đường cao tốc, khu công nghiệp… Như vậy sẽ giúp gia tăng lượng kiều hối được huy động, dòng tiền được đảm bảo. Đó là nguồn đầu tư minh bạch, có uy tín từ Nhà nước sẽ giúp nhà đầu tư an tâm hơn", ông góp ý thêm.

Bên cạnh đó, ông nhìn nhận cần đẩy mạnh kết nối doanh nghiệp trong nước với hệ thống doanh nghiệp kiều bào và giới trí thức, chuyên gia Việt Nam đang sinh sống tại nước ngoài.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Đình Tuệ - Giám đốc trung tâm dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng góp ý cần có đầu mối trong và ngoài nước nhằm kết nối tìm đối tác, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm hàng hóa. Đồng thời, các bên đầu mối cũng cần xây dựng bộ dữ liệu lớn sẵn sàng phục vụ cho doanh nghiệp.

Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) cho biết trong 3 tháng cuối năm sẽ tổ chức các chương trình tuần lễ triển lãm nhằm giới thiệu sản phẩm Việt Nam, cũng như các chương trình triển lãm, diễn đàn ở nước ngoài như Lào, Thái Lan, Malaysia.

Liên Phạm

Bạn có thể quan tâm