Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TP.HCM có 760 startup hình thành trong 2 năm, đa số có vốn dưới 1 tỷ

Hai năm qua, TP.HCM chi khoảng 90 triệu USD cho các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo. Tuy nhiên, điểm yếu về kết nối khoa học và doanh nghiệp đang là rào cản lớn cho startup.

Sáng 26/6, Diễn đàn Kết nối startup Việt trong và ngoài nước do Bộ Ngoại giao và UBND TP.HCM phối hợp tổ chức thu hút khoảng 400 đại biểu trong và ngoài nước tham gia. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Hồng Nam nhấn mạnh diễn đàn là sự kiện chưa từng có của Việt Nam trong trào lưu khởi nghiệp đang mở rộng và phát triển ở Việt Nam.

Đây là cơ hội vô cùng to lớn để được nghe những điều kỳ diệu đang diễn ra trên thế giới, là  cơ hội để nắm bắt xu thế startup đang đi đâu, về đâu, và chúng ta phải bắt đầu bằng gì. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cũng cảm ơn sự cam kết mạnh mẽ của chính quyền TP.HCM trong việc nuôi dưỡng, ươm mầm startup với một nền kinh tế, nền khoa học phát triển nhất Việt Nam hiện nay.

Phát biểu tại sự kiện, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết thành phố đã đạt được những thành tựu nhất định trong phát triển kinh tế, nhưng một trong những điểm yếu là sự kết nối giữa khoa học và doanh nghiệp còn hạn chế. Sự có mặt của các chuyên gia, nhà đầu tư… trong diễn đàn sẽ giúp cho thành phố mạnh hơn, khắc phục nhược điểm.

bi thu Nhan chi ra diem yeu TP.HCM anh 1
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng cần phải có sự hỗ trợ của công nghệ thì startup mới phát triển. Ảnh: V.D

Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, thực trạng này đã kéo dài 40 năm nay mà chưa thể khắc phục được. Hiện có 2 nguyên tắc đẩy mạnh phát triển thị trường khoa học công nghệ, là làm cho sản phẩm của khoa học công nghệ đến với doanh nghiệp; làm cho doanh nghiệp có thói quen đặt hàng các nhà khoa học. Phải làm sao để hai giới khoa học đào tạo và doanh nghiệp vốn tồn tại song song tìm đến nhau, kết nối với nhau.

Mặt khác, ngay từ khi thành lập doanh nghiệp mới, đã có sự kết hợp giữa công nghệ và kinh doanh. Do đó, phải hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp để kết hợp hai yếu tố này.

"Câu hỏi đặt ra là vì sao thành phố phải quan tâm khởi nghiệp sáng tạo khi thu nhập đầu người rất thấp, chỉ khoảng 2.300 USD/người. Không phải đợi dân thật đông mới làm khởi nghiệp sáng tạo, mà là chuẩn bị công nghệ tốt, kết nối tài chính… Nhiều nước ở châu Á có nền tảng giống Việt Nam nhưng đã làm được. Chúng ta đã có chương trình của Chính phủ, thành phố, nhưng chỉ khi nào nhà khoa học coi đó là chương trình của mình và làm quyết liệt thì sẽ thành công", ông nói.

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cũng nhấn mạnh hiện Chính phủ và TP.HCM đã có chương trình về khởi nghiệp sáng tạo. Qua thực tiễn cho thấy giữa khởi nghiệp sáng tạo và khởi nghiệp bình thường có 4 bước khác nhau. Đó là khởi nghiệp với sản phẩm truyền thống, công nghệ truyền thống; sản phẩm truyền thống nhưng công nghệ có đổi mới; sản phẩm mới nhưng công nghệ không mới; sản xuất cung cấp dịch vụ mới với công nghệ mới.

Trong vòng 2 năm nay, TP HCM đã có nhiều chính sách hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp. Tổng cộng, thành phố đã chi khoảng 90 triệu USD ngân sách cho các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo.

Theo báo cáo của Sở Khoa học Công nghệ TP.HCM, trong hơn 2 năm, thành phố đã có hơn 20 đối tác nước ngoài liên kết hỗ trợ, 24 cơ sở ươm tạo, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, 12 không gian khởi nghiệp... và hơn 760 startup hình thành.

Các startup vẫn tập trung vào lĩnh vực ICT, nông nghiệp, giáo dục đào tạo… và hầu hết mới thành lập trên dưới 1 năm, đang trong giai đoạn đánh giá thị trường, số mở rộng kinh doanh còn hạn chế. Vốn khởi nghiệp cho startup dưới 1 tỷ đồng chiếm gần 60%, cho thấy vốn khởi nghiệp rất thấp, gần 50% startup chưa được tài trợ, 31% đang tìm nhà đầu tư.

Bí thư Nhân: TP.HCM còn nhiều đất sao nói hết không gian phát triển?

"Không gian phát triển của TP.HCM còn rộng vì đất của TP.HCM vẫn còn rất nhiều, chỉ có điều mất cân đối trong quy hoạch dẫn đến phát triển chưa đến nơi đến chốn", Bí thư Nhân nói.


Bình Nguyên

Bạn có thể quan tâm