Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bí thư Nhân: TP.HCM còn nhiều đất sao nói hết không gian phát triển?

"Không gian phát triển của TP.HCM còn rộng vì đất của TP.HCM vẫn còn rất nhiều, chỉ có điều mất cân đối trong quy hoạch dẫn đến phát triển chưa đến nơi đến chốn", Bí thư Nhân nói.

Tại Hội thảo khoa học “Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của của kinh tế TP.HCM” sáng 23/6, nhiều ý kiến đóng góp trực tiếp của các chuyên gia, nhà khoa học phân tích rõ những định hướng đầu vào như vốn, lao động, khoa học… mà thành phố phải chú trọng.

Các chuyên gia cũng đồng thời chỉ ra các điểm nghẽn từ nhiều góc độ khác nhau mà thành phố đang gặp phải, từ đó vạch ra hướng đi dài hạn để nâng cao các yếu tố đầu ra như GRDP, năng suất lao động xã hội .

Tháng 6/2019 sẽ có quy hoạch tổng thể TP.HCM

Nhiều ý kiến cho rằng không gian phát triển TP.HCM đã đến giới hạn rồi nhưng Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng điều này hoàn toàn không phải.

Thực tế hiện nay, thành phố còn nhiều đất nhưng chủ yếu là quy hoạch chưa đến nơi đến chốn, để tạo tiền đề cho sự phát triển.

Bi thu Nguyen Thien Nhan noi ve khong gian phat trien tp anh 1
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng đất TP.HCM còn nhiều. Ảnh: V.D

Ông Nguyễn Thiện Nhân nói công nghiệp dịch vụ chiếm khoảng 99% GRDP mà đất cho khu vực này chưa đến 10%. Trong khi đó, nông nghiệp 0,8% thì lại đang dùng đến 44% diện tích đất của thành phố. Như vậy cần phải tái cơ cấu lại quy hoạch đất đai, chứ thành phố còn rất nhiều đất. Có thể kể đến như các huyện Cần Giờ, Củ Chi… phải tận dụng phát triển công nghiệp, mới mong phát triển đúng mức.

“TP.HCM đã có chỉ đạo và Sở Quy hoạch Kiến trúc hứa đến tháng 6/2019 sẽ hoàn thành quy hoạch tổng thể, trong đó quy hoạch đất đai phải đảm bảo. Chúng ta không thể đi sang chỗ khác xin đất được. Đất vẫn còn nhưng đang mất cân đối nghiêm trọng. Cần phải cho doanh nghiệp thấy rõ không gian phát triển công nghiệp của thành phố vẫn còn để họ có thể tận dụng”, Bí thư Nhân chia sẻ.

"Ông kỹ sư cơ khí giỏi nhưng đi cày bằng trâu thì không có năng suất"

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM Sử Ngọc Anh cho biết gần 3 năm triển khai chương trình nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của kinh tế thành phố đã đáp ứng yêu cầu hội nhập giai đoạn 2016 – 2020. Tuy nhiên, chất lượng tăng trưởng kinh tế nhìn chung chưa bền vững, năng lực cạnh tranh chưa cao, cơ cấu kinh tế, tăng trưởng khu vực dịch vụ và công nghiệp – xây dựng tăng chậm.

Cùng với đó,  chính sách khuyến khích khoa học công nghệ chưa phát huy tối đa hiệu quả; sự gia tăng hiệu quả sử dụng vốn, năng suất lao động chưa bền vững; cơ cấu sử dụng đất chưa phù hợp với cơ cấu kinh tế.

Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, năng suất lao động ai cũng nghĩ Việt Nam là rất kém, nhưng không phải vậy.

"Yếu tố công nghệ tác động hết, một ông kỹ sư cơ khí giỏi nhưng đi cày bằng trâu thì cũng không có năng suất. Ông ấy phải lên máy cày mới phát huy được. Chất lượng người lao động phải đi kèm với công nghệ mới thực sự cải thiện được tình hình hiện tại", ông Nhân nói.

Các chuyên gia cũng đồng tình và cho rằng cơ cấu nội bộ các ngành kinh tế có sự chuyển biến tích cực, nhưng hàm lượng giá trị gia tăng còn thấp, tỷ lệ sản xuất gia công còn cao, sức cạnh tranh chưa tăng nhiều.

"Nguồn lực rất nhiều nhưng chỉ đi ngang qua cửa doanh nghiệp"

PGS.TS Nguyễn Trọng Hoài, Đại học Kinh tế TP.HCM, nói để nâng cao chất lượng tăng trưởng, thành phố cần tiếp cận bước cơ bản mô hình đô thị thông minh. Chuyển từ mô hình nền kinh tế chú trọng yếu tố đầu vào sang mô hình hiệu quả, đổi mới, sáng tạo hướng đến các mục tiêu dài hạn.

Ba nội dung chú trọng là công nghệ và cơ sở hạ tầng, con người, thể chế. Tiến sĩ Hoài nói định hướng phát triển của TP.HCM hiện nay vẫn chưa rõ nét, nên làm thì nhiều mà hiệu quả chưa cao.

Về cơ bản, những yếu tố mang tính cốt lõi, động lực chính cho tăng trưởng và phát triển kinh tế của thành phố giai đoạn 2018 – 2020 và những năm tiếp theo, cần tập trung và xoay quanh 3 nhóm yếu tố. Đó là khu vực kinh tế tư nhân, cải cách thể chế và môi trường kinh doanh, khoa học công nghệ và nâng cao năng suất lao động.

Ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng nguồn lực khoa học công nghệ là rất nhiều nhưng nó không đi thẳng vào doanh nghiệp. Nguồn lực này chỉ đi ngang qua cửa thôi, mà chủ doanh nghiệp không chào nên họ đi luôn.

Nguồn lực tại chỗ là rất lớn nhưng lại không được tương tác với doanh nghiệp. Cần phải xem lại vì sao 40 năm qua đều cho rằng công nghệ là mũi nhọn mà các doanh nghiệp lại không coi điều này là quan trọng? Phải có cuộc cách mạng trong tư duy, để doanh nghiệp và nhà khoa học gặp nhau chứ không nên lãng phí.

Bí thư Nhân nói gì khi thăm dân 'khu ổ chuột' Thủ Thiêm?

Tại buổi tiếp xúc cử tri ngày 20/6 Bí thư Nhân kể ông đến nhà của vợ chồng ông Lực (91 tuổi), bà Giáp (83 tuổi), 2 người sống trong “căn nhà lụp xụp”, chúng tôi đã quay lại đây.

Bình Nguyên

Bạn có thể quan tâm