Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nỗ lực xích lại gần dân sau 3 lần đối thoại với bà con Thủ Thiêm

"Chưa biết lý do gì nhưng nếu đã là con người, ở tuổi như cha mẹ mình mà sống như vậy thì đau lắm”, Bí thư Nhân trầm tư nói về nơi tạm cư của người dân Thủ Thiêm.

C

hiều 20/6, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cùng tổ đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri quận 2, đối thoại về vấn đề dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm (KĐTMTT).

Chỉ trong vòng 1 tháng rưỡi, có 3 cuộc đối thoại giữa cư dân Thủ Thiêm với lãnh đạo TP.HCM, tổ đại biểu Quốc hội TP. Nếu cuộc tiếp xúc chiều 9/5 được xem là dịp để bà con giải tỏa bức xúc hơn 20 năm, cuộc gặp vào ngày 8/6 với Ban tiếp công dân Trung ương cho bà con nhiều niềm tin, thì đến cuộc đối thoại chiều 20/6 với Bí thư Nguyễn Thiện Nhân và tổ đại biểu Quốc hội là minh chứng cho nỗ lực xích lại gần hơn với người dân của chính quyền.

Xếp hàng chờ vào hội trường, bà Lê Thị The (75 tuổi), người tham gia khiếu kiện nhiều năm và là 1 trong 7 đại diện tham dự buổi đối thoại với Ban tiếp công dân Trung ương hôm 8/6, bày tỏ sự tin tưởng vào cuộc đối thoại lần này: “Tôi kỳ vọng và tin tưởng ông Nhân sẽ giải quyết cho bà con Thủ Thiêm”.

6 tiếng đối thoại lịch sử

Như buổi đối thoại ngày 9/5, chiều qua, chưa đến giờ theo lịch nhưng bà con cử tri đã đến từ sớm để "giành chỗ". Tuy nhiên, số lượng ghế trong hội trường có hạn, mà bà con tới quá đông, một số người dân dù có giấy mời, có chứng minh nhân dân ở quận 2 cũng không được vào, phải ngồi ở bên ngoài và lắng nghe qua loa.

Bà Trần Thị Tâm (phường An Phú) mếu máo trước cánh cửa hội trường: “Hôm nay có ông Nhân mà. Vào đó tôi đứng cũng được, không cần ngồi đâu. Bức xúc 8 năm rồi, có ai giải quyết cho đâu. Phải ở vào vị trí của chúng tôi thì mới hiểu được”.

Có 140 cử tri đăng ký trình bày ý kiến, gấp gần 3 lần so với số người đăng ký phát biểu trong buổi tiếp xúc với bà Quyết Tâm hôm 9/5 vừa qua.

14h37, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân bước vào hội trường trong tiếng vô tay của người dân. 3 giờ đầu của buổi đối thoại được xem là phần “dân nói – ông Nhân nghe”.

Mỗi lượt phát biểu quy định tối đa 5 phút nhưng cử tri Nguyễn Thị Tám (phường Bình Khánh) vì quá bức xúc, đã giành micro nói hơn 10 phút. “Đừng ngắt lời để chúng tôi trút hết tâm tư. 10 năm nay rồi. Hồi xưa tôi cũng là bà chủ chứ không hồ đồ như giờ. Gia đình tôi tan nát. 12 người dồn vào 1 căn chung cư chừng 60 m2, ở có được hay không?”, bà Tám cương quyết khi người điều khiển buổi đối thoại toan ngắt lời.

Kiên nhẫn lắng nghe hết lời bà Tám nói về việc nhà bà nằm ngoài ranh quy hoạch nhưng vẫn bị đập, Bí thư Nhân chia sẻ: "Tôi đã hiểu ý chị Tám rồi. Chị muốn nói rằng nhà mình ở ngoài ranh thu hồi đất. Vấn đề ranh giới quy hoạch, lát nữa tôi sẽ trình bày. Nếu ngoài ranh giới quy hoạch thật thì không phải di dời".

Lúc này, cả hội trường đồng loạt vỗ tay.

Hết 27 lượt cử tri trình bày, Bí thư nhắc lại việc cử tri Nguyễn Hùng Việt (phường Cát Lái) đòi trả lại bằng khen vì cho rằng việc giải tỏa đất đã ở 100 năm của gia đình ông vẫn chưa được đền bù thỏa đáng.

“Vấn đề là bà con không tin chính quyền thôi. Chúng tôi sẽ cố gắng để bà con lại tin chính quyền”, ông Nhân phát biểu.

Trong phần chia sẻ, Bí thư Nhân liên tục nhấn mạnh điều mà ông cho là nguyên tắc trong vấn đề di dời dân. “Di dời thì phải đảm bảo cuộc sống sau di dời phải tốt hơn, đó là một nguyên tắc mà chúng ta soi vào, để xem đã làm đúng hay chưa. Sau khi di dời mà cuộc sống kém hơn trước là không được”.

Số lượng cử tri đăng ký trình bày quá đông, nhiều bà con tỏ thái độ bức xúc vì thời gian đối thoại dự kiến đã hết mà họ chưa được trình bày, nên đã phản ứng dữ dội. Lúc này, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị như lời bà từng nói hôm 9/5: "Bây giờ bà con hãy lắng nghe. Nếu nghe xong mọi người vẫn muốn phát biểu chúng tôi sẽ tiếp tục nghe bà con".

Trong suốt buổi đối thoại, có cử tri gào khóc kêu tên bà Quyết Tâm, than khổ, có cử tri chất vấn việc thiếu trách nhiệm của bà trong việc giám sát vấn đề Thủ Thiêm. "Bà Quyết Tâm hứa giải quyết cho bà con nhưng sắp hết nhiệm kỳ rồi, bà đã làm được gì?”, một cử tri đặt câu hỏi.

Bí thư Nhân cho biết từ ngày ông về nhận nhiệm vụ tại TP.HCM, cứ mỗi lần họp, bà Tâm đều có nhắc ông quan tâm đến vấn đề của bà con Thủ Thiêm. "Việc Thường vụ Thành ủy họp bàn cách đưa người dân vào nhà tạm cư trong khi luật pháp không quy định là nỗ lực mà chị Tâm nói chúng tôi làm sau khi gặp bà con. Chị nói cái gì làm cho bà con bớt khổ thì làm ngay đi", Bí thư Nhân phân trần.

'Bà con không nên sống như vậy nữa'

Trong phần giải đáp thắc mắc của cử tri, ông Nhân có chia sẻ ngày 19/6, ông có xuống thăm bà con ở khu tạm cư, vì ông dự báo có nhiều bà con trình bày, sợ không nghe hết được.

“Tôi có qua khu tái định cư An Phú, gặp hộ bà Giáp (78 tuổi), ông Lực (88 tuổi), ở nhà lụp xụp, tường mốc meo. Đó là những người trong chiến tranh sẵn sàng hy sinh, cuối đời muốn có chỗ ở đàng hoàng. Chưa biết lý do gì nhưng nếu đã là con người, ở tuổi như cha mẹ mình mà sống như vậy thì đau lắm chứ”, Bí thư Nhân trầm tư nói.

Ông kể đã ghé qua nhà của những cựu bộ đội đặc công, Mẹ Việt Nam anh hùng và thấy rằng người dân đang sống rất cực khổ. Ông cho rằng lý do ông đến khu tạm cư để trả lời cho câu hỏi: "Bà con có nên sống như vậy nữa không?" Rồi ông khẳng định: “Bà con không nên sống như vậy nữa”.

Ông cũng bày tỏ mong muốn trong khi chờ đợi thì bố trí cho bà con chỗ tạm cư tốt hơn. Ông khẳng định TP không gạt bà con mà chỉ muốn bà con có cuộc sống ngắn hạn tốt hơn.

“Vào tái định cư không phải là bỏ mặc bà con. Chỉ muốn bà con chấm dứt tình trạng sống nheo nhóc, không an toàn. TP.HCM muốn ghi nhận bức xúc bà con và cũng thiết tha xin bà con ủng hộ chủ trương TP để vào ở nhà tạm cư mới, chỉ trả tiền điện, nước. Bà con vào ở đó nhưng không có nghĩa là xí xóa trách nhiệm. Trong lúc TP giải quyết chưa xong mà để bà con ở nơi tạm cư nhếch nhác quá, như vậy là TP không văn minh”, Bí thư Nhân thuyết phục bà con.

Cũng trong buổi đối thoại mới đây, ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng ban Tiếp công dân Trung ương, thông tin với người dân rằng cần xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng để giải quyết vấn đề ở Thủ Thiêm. Bởi có những hồ sơ, quyết định đã xảy ra từ 20 năm trước.

"Thủ tướng đã yêu cầu cơ quan chức năng thực hiện kết luận chỉ đạo 2 công văn trước đây. Bà con cũng thấy là Thủ tướng rất muốn giải quyết sớm cho bà con. Vừa qua Thủ tướng lại nghe, lại yêu cầu tiếp tục giải quyết và có mốc thời gian báo cáo vụ việc", ông Điệp cho biết.

'Chúng tôi không gạt bà con'

Sau buổi tiếp xúc cử tri ngày 9/5, không quá khi nói cuộc gặp kéo dài hơn 6 tiếng với Bí thư Nguyễn Thiện Nhân tiếp tục là buổi đối thoại lịch sử. Đến hơn 20h đêm 20/6, dù ông Nhân nói bà con đã mệt, ông cũng mệt nhưng nhiều cử tri vẫn còn mong muốn được trình bày.

Suốt 6 tiếng đối thoại, có lúc người dân bức xúc, phản ứng dữ dội, có người lớn tiếng, có người toan giành micro nhưng Bí thư vẫn lắng nghe và liên tục trấn an người dân.

“Bà con nào cảm thấy vấn đề của mình được tiếp thu rồi thì có thể về, bà con nào muốn nói nữa thì cứ ở lại đây. Hồ sơ nào bà con gửi, tôi nhận được sẽ gửi lại thông báo cho bà con biết là tôi đã nhận, để  bà con yên tâm. Bà con có hồ sơ cứ gửi. Sau đó ai có muốn phát biểu thì phát biểu”.

Bí thư Nhân: Sẽ bố trí nhà tạm cư mới cho dân Thủ Thiêm Sau 27 lượt ý kiến của cư dân Thủ Thiêm, Bí thư Thành uỷ TP.HCM có phát biểu tổng kết, Bí thư khẳng định thời gian tới sẽ bố trí nhà ở tạm cư mới cho bà con.

Đến gần cuối buổi, một cử tri lớn giọng, cho rằng việc trả lời và đối thoại của các vị lãnh đạo chỉ mang tính hình thức và theo nhiệm kỳ. “Việc giải quyết còn lâu lắm bà con ơi. Hết nhiệm kỳ thì đến người khác rồi. Bao nhiêu năm nay có ai làm được gì cho dân đâu”, cử tri này hỏi.

Lúc này, nhiều cử tri nhốn nháo, có người toan đứng dậy trình bày.

“Bà con phải nói lần lượt chứ nói một lần không ai nghe được hết. Chúng tôi đã nói là ngồi nghe đến khi bà con nói hết thì thôi mà”, ông Nhân nhẹ nhàng trấn an.

Rồi ông tiếp lời: “Tôi xin nói là chúng tôi không gạt dân. Nếu anh thấy bà con ở nhà tạm cư khổ như thế mà anh cứ để như thế thì anh làm bà con khổ hơn. Chúng tôi không muốn bà con khổ như thế nữa. Chúng tôi muốn mời bà con đến ở khu tạm cư mới, đến khi chờ có kết luận thanh tra chính thức chứ không gạt bà con”.

Sau đó, cả hội trường lắng lại khi Bí thư Nhân chia sẻ chuyện “thân tình” từ lúc chiến tranh, 17 tuổi ông đi bộ đội, ông cho rằng gia đình ông cũng như bao nhiêu người dân trong chiến tranh, không ai quên những ngày đó. Vậy nên ông hiểu những chia sẻ của cử tri trong buổi đối thoại hôm nay.

Ông Nhân cho rằng nếu Thanh tra Chính phủ có kết luận trong tháng 4, tháng 5 thì lần này gặp bà con đã có cái để nói; tuy nhiên, việc kết luận vẫn cần có thời gian.

“Tự tôi không thể nói đất trong ranh hay ngoài ranh quy hoạch mà phải căn cứ vào kết luận của cơ quan chức năng”, dứt lời, ông Nhân lôi trong cặp ra 2 tấm bản đồ, đưa lên cho bàn con thấy. Ông cho rằng có những vấn đề ông nghiên cứu và có ý kiến cá nhân. Tuy nhiên, muốn có kết luận chính thức thì cần phải chờ Thanh tra.

Đến hơn 20h, buổi đối thoại kết thúc sau khi ông Nhân trấn an người dân sẽ còn gặp lại bà con cho đến khi nào câu chuyện về Thủ Thiêm được giải quyết.

“Tôi có hứa chừng nào chưa xong thì mỗi lần gặp cử tri tôi còn đến đây. Việc này càng kéo dài thì bà con khổ, tôi càng khổ vì tôi cũng không hoàn thành nhiệm vụ Bí thư. Việc của bà con Thủ Thiêm là việc rất lớn. Dù ở đâu, làm gì nhưng khi về thành phố thì mình chỉ vui khi bà con vui. Khi bà con khổ, bà con buồn thì chúng tôi không vui”, Bí thư nói trước khi rời khỏi hội trường.

Bà The, người từng lo ngại sẽ bị gạt ra trước cuộc gặp với Ban tiếp công dân, người ít phút trước còn bật khóc với ông Nhân, lọt thỏm giữa dòng người rời khỏi hội trường Nhà văn hóa thiếu nhi quận 2, nói vội: "Tôi có nhiều niềm tin lắm, nhiều hơn cả cuộc gặp với ông Điệp hôm rồi".

Người dân Thủ Thiêm trong 6 giờ đối thoại với Bí thư Nhân Nhiều người dân Thủ Thiêm vui mừng khi nghe Bí thư Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: "Nếu ở ngoài ranh quy hoạch thì không phải di rời", "Thành phố không gạt bà con đâu".

Hoài Thanh

Bạn có thể quan tâm