Tại họp báo chiều 1/11, trả lời câu hỏi về việc khi nào TP.HCM cho phép xe ôm công nghệ được phép hoạt động, ông Phạm Đức Hải - Phó trưởng ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM - cho biết nguyên tắc mở các hoạt động của thành phố là căn cứ vào tình hình dịch bệnh là an toàn tới đâu mở cửa tới đó.
"Chúng ta không thể thấy tình hình có thể tốt rồi mà chủ quan. Hiện nay thành phố vẫn còn ở cấp độ 2, trong đó một số phường xã là cấp độ 3. Mỗi ngày có khoảng 1.000 ca nhiễm do đó người dân tuyệt đối không được chủ quan, lơ là", ông Hải nói và nhấn mạnh việc mở cửa phải căn cứ vào mức độ dịch để quyết định, tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp.
Hiện, dịch vụ taxi công nghệ tại TP.HCM đã được hoạt động trở lại, nhưng xe ôm công nghệ vẫn chưa được phép chở khách kể từ tháng 7 tới nay.
Nhiều tài xế xe ôm công nghệ cũng đang nhận chở khách dù các ứng dụng gọi xe chưa được phép cung cấp dịch vụ vận chuyển hành khách bằng môtô. Lượng khách này có thể đến từ khách quen đặt qua điện thoại, khách vãng lai hoặc khách đặt qua các hội nhóm mạng xã hội.
Trên các hội nhóm của cộng đồng xe ôm công nghệ tại TP.HCM, không khó để bắt gặp các bài đăng của tài xế tìm khách hoặc khách tìm tài xế. Giá cước được tài xế và hành khách thỏa thuận trực tiếp, dựa trên giá cước niêm yết của các ứng dụng.
Xe ôm công nghệ là một trong những hình thức di chuyển chiếm số đông ở TP.HCM. Ảnh: Duy Hiệu. |
Trao đổi với Zing, các ứng dụng gọi xe cho biết chưa thể lên kế hoạch cụ thể về thời điểm mở lại dịch vụ xe ôm công nghệ tại TP.HCM do chưa có hướng dẫn từ cơ quan chức năng. Các ứng dụng cho biết sẽ sớm nối lại dịch vụ này ngay khi được sự cho phép của TP.HCM để phục vụ nhu cầu của hành khách và tăng thu nhập cho các tài xế đối tác.
Dịch vụ xe ôm nói chung và xe ôm công nghệ nói riêng đã được yêu cầu ngừng khai thác từ đầu tháng 7 tại TP.HCM nhằm phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19. Dù dịch vụ taxi công nghệ đã được hoạt động trở lại thì xe ôm công nghệ vẫn chưa được cho phép chở khách.
Về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, bà Nguyễn Thị Kim Ngọc - Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết hiện đối với doanh nghiệp ngoài khu chế xuất, khu công nghiệp sẽ thực hiện xây dựng phương án sản xuất và báo về quận, huyện. Tính đến hôm nay có hơn 6.500 doanh nghiệp ngoài khu hoạt động trở lại. Thời gian tới các quận, huyện sẽ tiếp tục cập nhật gửi về Sở Công Thương TP.HCM.