"Giờ ai mà chẳng nhận khách ngoài, chỉ chạy giao đồ thì làm sao đủ sống. Tài xế đi làm nhiều trở lại trong khi người dân cũng không đặt đồ nhiều vì hết giãn cách khiến thu nhập mỗi tài xế như mình bắt đầu giảm đi", anh V. Cường, tài xế đối tác của một ứng dụng gọi xe, chia sẻ.
Tương tự như anh Cường, nhiều tài xế xe ôm công nghệ cũng đang nhận chở khách dù các ứng dụng gọi xe chưa được phép cung cấp dịch vụ vận chuyển hành khách bằng môtô. Lượng khách này có thể đến từ khách quen đặt qua điện thoại, khách vãng lai hoặc khách đặt qua các hội nhóm mạng xã hội.
"Cứ mỗi sáng mình đều đăng bài, để lại số điện thoại cho khách có nhu cầu gọi xe ôm. Một ngày cũng được 2-3 khách đặt, thêm được chút thu nhập những lúc không có đơn giao hàng", anh D. Tín, tài xế xe ôm công nghệ, cho hay.
Nhiều tài xế xe ôm công nghệ nhận chở khách từ các kênh ngoài ứng dụng do dịch vụ này vẫn chưa được phép hoạt động trở lại. Ảnh: Phương Lâm. |
Trên các hội nhóm của cộng đồng xe ôm công nghệ tại TP.HCM, không khó để bắt gặp các bài đăng của tài xế tìm khách hoặc khách tìm tài xế. Giá cước được tài xế và hành khách thỏa thuận trực tiếp, dựa trên giá cước niêm yết của các ứng dụng.
"Bắt khách kiểu này ứng dụng không cho phép, nếu họ biết có thể bị phạt. Nhưng tiện đường mà có thêm thu nhập thì tôi cũng vẫn làm, vì giờ khó khăn quá, nghỉ chạy mấy tháng không có tiền mà nhà bao việc phải lo", một tài xế xe ôm công nghệ tại TP.HCM chia sẻ với Zing.
Về phía hành khách, nhiều người chia sẻ trong khi thành phố chưa cho phép xe ôm hoạt động trở lại nhưng nhu cầu di chuyển quãng ngắn vẫn phát sinh khiến họ buộc phải tìm xe ôm qua cách này. "Thời gian chờ xe lâu hơn, không dùng được mã khuyến mại như khi gọi qua ứng dụng nhưng giờ ứng dụng không gọi được xe ôm thì không còn cách nào. Đi bằng taxi thì tốn kém, đi liên tục thì thu nhập không đủ tiền taxi", chị T. Thu (TP Thủ Đức) cho hay.
Cũng theo nhiều hành khách, dịch vụ xe ôm công nghệ có những ưu điểm riêng như rẻ, tiện lợi và di chuyển dễ dàng vào những ngõ hẻm. Nhiều người thậm chí lựa chọn xe ôm công nghệ là phương tiện di chuyển chính, đặc biệt là nhóm hành khách nữ giới không giỏi hoặc không biết lái xe gắn máy.
"Từ lần đi chợ bị ngã xe, chiếc xe máy đè vào chân khiến khiến mình bị nứt xương bàn chân mình đã không dám tự đi xe máy nữa. Sau thời gian dài giãn cách xã hội, công ty cũng đã gọi đi làm trở lại nhưng thành phố lại chưa cho phép xe ôm công nghệ chạy khiến giờ mình gặp khá nhiều phiền toái trong việc di chuyển", chị N. Ngọc (quận 7, TP.HCM) bức xúc.
Trao đổi với Zing, các ứng dụng gọi xe cho biết chưa thể lên kế hoạch cụ thể về thời điểm mở lại dịch vụ xe ôm công nghệ tại TP.HCM do chưa có hướng dẫn từ cơ quan chức năng. Các ứng dụng cho biết sẽ sớm nối lại dịch vụ này ngay khi được sự cho phép của TP.HCM để phục vụ nhu cầu của hành khách và tăng thu nhập cho các tài xế đối tác.
Dịch vụ xe ôm nói chung và xe ôm công nghệ nói riêng đã được yêu cầu ngừng khai thác từ đầu tháng 7 tại TP.HCM nhằm phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19. Dù dịch vụ taxi công nghệ đã được hoạt động trở lại thì xe ôm công nghệ vẫn chưa được cho phép chở khách.