Trong chuyến làm việc tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Thủ Đức chiều 26/7, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19, đã kêu gọi toàn bộ chuỗi bệnh viện, bất kể lớn nhỏ, công tư, tất cả thầy thuốc, y bác sĩ cùng nhau tham gia chống dịch.
Kêu gọi các bệnh viện tư tham gia chống dịch
Báo cáo với Phó thủ tướng, bác sĩ Nguyễn Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Hoàn Mỹ Thủ Đức, cho biết bệnh viện này đang điều trị 9 ca mắc Covid-19, gồm một ca thở máy chưa xâm nhập, 6 ca có triệu chứng, 2 bà bầu đã nằm viện hơn một tuần. Theo lời kêu gọi của TP.HCM, bệnh viện này đang trong quá trình chuyển đổi thành cơ sở chuyên điều trị bệnh nhân Covid-19.
Chia sẻ với lãnh đạo Bệnh viện Hoàn Mỹ và Sở Y tế TP.HCM, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng bối cảnh hiện tại đòi hỏi toàn dân "kháng chiến", toàn diện "kháng chiến". Với mặt trận TP.HCM, nhiệm vụ hàng đầu là giảm số ca tử vong.
"Toàn bộ phần còn lại của đất nước vẫn giảm F0, không để dịch lan. Nhưng mặt trận TP.HCM, một phần Đồng Nai, Bình Dương, Long An thì mục tiêu hàng đầu của khu vực này là giảm tử vong vì chúng ta để nhiễm quá sâu rồi", Phó thủ tướng đánh giá tình hình.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc với Bệnh viện Hoàn Mỹ Thủ Đức chiều 26/7. Ảnh: Thanh Tuấn. |
Phó thủ tướng cho rằng để đạt mục tiêu này, thành phố phải giảm số F0 trên cả 5 tầng điều trị, giảm tỷ lệ F0 không triệu chứng lên có triệu chứng; F0 nhẹ trở nặng; F0 nặng phải hỗ trợ oxy, máy thở...
Ông Đam hoan nghênh Bệnh viện Hoàn Mỹ đã đồng ý chủ trương, đưa toàn bộ cơ sở mới sang điều trị bệnh nhân Covid-19. Ông đề nghị lãnh đạo bệnh viện cố gắng động viên cán bộ, nhân viên sớm hoàn thành các hạng mục, rút ngắn thời gian hoàn thiện.
Lãnh đạo Chính phủ cũng kỳ vọng không chỉ Bệnh viện Hoàn Mỹ mà tất cả chuỗi bệnh viện đều tham gia, cùng nhau thực hiện sứ mệnh chăm sóc sức khỏe của người dân. Ông Đam cho rằng phải kêu gọi mọi thành phần tham gia chống dịch, dù Nhà nước hay tư nhân thì lúc này không còn phân biệt. Tất cả đều phải vào cuộc với tinh thần khẩn trương nhất.
Chạy đua với thời gian
Phó thủ tướng cho biết Ban Chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế và TP.HCM đã có nhiều chương trình kêu gọi toàn bộ thầy thuốc, không kể đang ở đâu, đều tham gia chống dịch.
Ông dẫn chứng nhiều sáng kiến như Hội thầy thuốc trẻ phát động chương trình "Đồng hành cùng thầy thuốc". Trong đó, tất cả thầy thuốc, bao gồm người đã về hưu tham gia nhiều tầng điều trị, kết nối tư vấn với các F0, F1. Phó thủ tướng đề nghị thành phố kết nối với nhiều chuyên gia có kinh nghiệm tại Hà Nội để tư vấn, hỗ trợ.
Lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh trong bối cảnh hiện tại, tất cả bác sĩ đều phải cùng tham gia chống dịch. Các cơ sở y tế dù to, dù nhỏ, dù tư nhân hay Nhà nước cùng tham gia với tinh thần "chống dịch như chống giặc".
"Chúng ta đang trong tâm dịch nên anh em phải cố chạy đua theo thời gian, tính bằng giờ, không bằng ngày nữa. Cố gắng không để tử vong, không để bệnh nhẹ chuyển biến thành nặng. Nặng vừa thì quyết giữ không để chuyển biến thành rất nặng", ông Vũ Đức Đam quán triệt.
Nói riêng với lãnh đạo TP Thủ Đức, Phó thủ tướng cho rằng TP Thủ Đức trước hết phải lo đủ cho mình, sau đó tính tới lo cho các vùng lân cận không có điều kiện thiết lập nhiều cơ sở điều trị.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam kiểm tra tại quận Bình Tân ngày 25/7. Ảnh: VGP/Đình Nam. |
Những ngày qua, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cùng đoàn công tác liên tục kiểm tra công tác chống dịch tại quận Bình Tân, quận 8, huyện Củ Chi... Tại mỗi địa phương, ông đặt ra những câu hỏi cụ thể, điều chỉnh công tác phòng, chống dịch cho phù hợp với tình hình.
TP.HCM áp dụng Chỉ thị 16 từ 0h ngày 9/7 đến 1/8. Từ 24/7, thành phố siết chặt hơn nhiều quy định trong giai đoạn giãn cách. Trong đó, TP.HCM thu hẹp nhóm đối tượng được phép hoạt động trong thời gian giãn cách.
Với khu phong tỏa, TP.HCM yêu cầu thực hiện triệt để "người cách ly với người, gia đình cách ly với gia đình", tuyệt đối không được tiếp xúc trực tiếp với các hộ gia đình xung quanh. Người dân chỉ ra khỏi nhà khi có yêu cầu cấp cứu y tế. Chính quyền tổ chức mang nhu yếu phẩm thiết yếu đến từng nhà hoặc "đi chợ thay".
Từ 18h ngày 26/7, lãnh đạo TP yêu cầu người dân không nên ra đường, hoạt động trên địa bàn thành phố tạm dừng tới 6h sáng hôm sau để đảm bảo giãn cách xã hội, hạn chế việc đi lại của người dân.
Tính từ 27/4 đến trưa 26/7, TP.HCM ghi nhận 62.139 ca nhiễm, hiện là tâm dịch lớn nhất cả nước.