Phát triển đô thị sinh thái khu vực tây bắc TP.HCM và tháo gỡ điểm nghẽn giao thông tiếp tục là nội dung được Chủ tịch nước nhấn mạnh trong chương trình hành động tại hội nghị trực tuyến tiếp xúc cử tri đơn vị bầu cử số 10 (huyện Củ Chi, Hóc Môn) diễn ra chiều 20/5.
Buổi tiếp xúc được trực tuyến đến 12 điểm cầu của huyện Hóc Môn với hơn 700 cử tri tham dự. Đây là buổi tiếp xúc thứ 9 của các ứng cử viên đại biểu Quốc hội đơn vị này.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại buổi tiếp xúc thứ 9 với cử tri huyện Hóc Môn, Củ Chi. Ảnh: Thu Hằng. |
Trong chương trình hành động, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc lấy ví dụ TP.HCM như chiếc trực thăng hiện đại với hai cánh quạt. Một cánh quạt là khu trung tâm duy trì động lực kinh tế quan trọng. Cánh quạt còn lại là các khu vực phía đông, đông nam, Cần Giờ và phía tây bắc với huyện Hóc Môn, Củ Chi, quận 12 - đóng vai trò như các cực tăng trưởng mới.
"Nếu coi TP.HCM là trực thăng hiện đại thì hai cánh quạt này phải khỏe mới đưa được TP.HCM phát triển đồng đều, toàn diện. Còn nếu chỉ trung tâm thành phố phát triển thì chưa tốt", ông Phúc so sánh.
Chủ tịch nước nêu tầm nhìn 2030-2045, Hóc Môn, Củ Chi sẽ thành đô thị sinh thái mà điểm nhấn là Khu đô thị Tây Bắc, có vai trò đối trọng với 14 quận nội thành. Ông nhấn mạnh nguồn lực lớn nhất của hai huyện này là đất đai, do đó, địa phương nên đấu giá quyền sử dụng đất hoặc thí điểm các cơ chế khác để tạo ra nguồn thu quan trọng từ đất đai.
"Muốn có 'đại bàng' đến Hóc Môn, Củ Chi thì phải có môi trường đầu tư, hạ tầng tốt, thủ tục thuận lợi, nhân lực tốt và sự ủng hộ của người dân", Chủ tịch nước nhận định.
Đặc biệt, ông đưa ra cảnh báo song song với phát triển cần quản lý đô thị chặt chẽ, tránh đầu cơ đất nông nghiệp, xây dựng tự phát, trái phép.
Cử tri dành nhiều kỳ vọng cho 5 ứng cử viên, đặc biệt là ông Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: Thu Hằng. |
Bên cạnh việc thúc đẩy Khu đô thị Tây Bắc, ông kiến nghị nghiên cứu mở rộng khu công nghiệp tại đây để giải quyết vấn đề việc làm cho người dân. Chủ tịch nước cho rằng phát triển ở Củ Chi, Hóc Môn thì người dân nơi đây phải được hưởng lợi. Do đó, hai huyện cần phát triển công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hiện đại để giải quyết thu nhập, quyền lợi cho người dân.
Trong chương trình hành động của mình, PGS.TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, cam kết chú ý đến các hoạt động nhằm góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật. Bên cạnh đó, ông sẽ nghiên cứu, đề xuất các biện pháp nhằm đảm bảo tăng trưởng kinh tế hài hòa với phát triển văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, môi trường.
Trong khi đó, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ cam kết nếu được cử tri tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội, bà sẽ luôn nghĩ và hành động vì quyền lợi chính đáng, hợp pháp của nhân dân.
"Không để dân chờ, không để dân phiền hà, không để dân lo", bà Lệ đặt mục tiêu.
Theo danh sách ứng viên đại biểu Quốc hội khóa XV của TP.HCM, 50 ứng viên sẽ được cử tri tại 10 đơn vị bầu ra 30 đại biểu. Trong số các ứng viên, có 13 người do Trung ương giới thiệu.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc là ứng viên ở đơn vị số 10 gồm huyện Củ Chi, Hóc Môn. Đơn vị này còn 4 ứng viên khác gồm bà Nguyễn Thị Lệ, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.HCM; ông Nguyễn Thanh Hiệp, Phó hiệu trưởng phụ trách điều hành Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch; ông Phan Văn Xựng, Chính ủy Bộ Tư lệnh TP.HCM và ông Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam.
Bên cạnh việc bầu ra 30 đại biểu Quốc hội khóa XV, cử tri trên địa bàn sẽ bầu 95 đại biểu HĐND thành phố khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026.