"Khi mới đến TP.HCM cách đây ít năm, tôi cùng vợ và con gái đã choáng ngợp khi bước xuống đường phố. Chúng tôi khó khăn để đi qua đường, vì có quá nhiều xe máy và ôtô đan xen nhau ngay cả khi có đèn giao thông", ông Ricardo Simon Carbajo, Giám đốc Dự án Đo lường chất lượng không khí, chia sẻ.
Tại hội thảo "Mô hình hóa tác động của không khí ô nhiễm và biến đổi khí hậu đối với sức khỏe cộng đồng tại TP.HCM 2022" chiều 8/6, do Đại học Quốc gia TP.HCM phối hợp với Đại học Dublin (Ireland) tổ chức, ông Ricardo Simon Carbajo cùng các chuyên gia đã chỉ ra những tác nhân gây ra ô nhiễm không khí ở thành phố, trong đó có xe máy.
PGS.TS Hồ Quốc Bằng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu Đại học Quốc gia TP.HCM, đồng Giám đốc Dự án Đo lường chất lượng không khí, nhận định xe máy là nguồn phát thải chủ yếu gây ô nhiễm không khí ở TP.HCM.
Theo dữ liệu khảo sát của ông Bằng và đồng nghiệp, ô nhiễm không khí từ lượng phương tiện giao thông quá nhiều. Phần lớn bụi mịn PM2.5 ở TP.HCM đến từ xe máy, chiếm 79,9% trong số các loại khí gây hại trong không khí.
Các loại khí thải phát từ xe máy (màu đỏ) chiếm chỉ số cao hơn hẳn so với các phương tiện khác. |
Ông Hồ Quốc Bằng chỉ ra nguyên nhân nguồn phát thải khí ô nhiễm từ xe máy lớn là vì thành phố có quá nhiều phương tiện này, trong đó chất lượng các xe chưa đạt chuẩn do nhiều xe đã cũ khiến khí thải động cơ xăng đã không tốt càng độc hại hơn.
Do đó, ông Bằng đề xuất TP.HCM cần thực hiện một số giải pháp cải thiện chất lượng không khí, cụ thể liên quan đến xe máy.
Những xe hiện hành cần được kiểm soát khí thải bằng cách kiểm tra mức độ thải, loại bỏ xe máy cũ không đạt chuẩn, giống như đã làm khi đăng kiểm ôtô, hoặc yêu cầu người dân duy tu, bảo dưỡng.
"Tuy nhiên, tôi thấy chưa đủ, vì hiện tại chưa có công nghệ kiểm tra khí thải từ xe máy. Nên đưa ra quy định nào đó để kiểm tra khí phát thải từ xe máy để phát hiện và xử lý sớm xe không đạt chuẩn", ông Bằng nói thêm.
Ông Ricardo Simon Carbajo cũng chia sẻ một biện pháp từ các nước châu Âu là cắt giảm năng lượng từ xăng dầu. Những loại xe sử dụng trên dưới 10 năm thì không nên sử dụng nữa; sử dụng xe năng lượng điện thay thế...
Cũng trong hội thảo, ông Koji Fukuda từ Cơ quan Hợp tác phát triển Nhật Bản (JICA) từng làm việc lâu năm tại TP.HCM, trình bày một số giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí trong khuôn khổ hợp tác giữa JICA và Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Trong đó, chuyên gia người Nhật nhấn mạnh các phương án vào ngành giao thông vận tải, đặc biệt là cải thiện các phương tiện giao thông công cộng trong thành phố.
TP.HCM vừa kẹt xe, vừa ô nhiễm không khí do lượng phương tiện giao thông dày đặc. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Đến nay, TP.HCM có hơn 9 triệu phương tiện cá nhân lưu thông, gồm hơn 8 triệu xe máy và trên 800.000 ôtô. Những phương tiện này phát ra nhiều khí thải đặc biệt vào giờ cao điểm. Tỷ lệ PM2.5 từ phương tiện giao thông chiếm 36,75% nguồn phát thải bụi mịn trong thành phố.
Các chuyên gia xin sử dụng dữ liệu năm 2019, vì các con số thể hiện rõ nét nhất khi TP.HCM không bị ảnh hưởng bởi Covid-19 như năm 2020-2021.
"Hiện tại cuộc sống người dân và hoạt động sản xuất trở lại bình thường sau 2 năm ảnh hưởng bởi dịch bệnh, chúng tôi lo ngại tình hình ô nhiễm không khí quay trở lại như những năm trước Covid-19", chuyên gia Hồ Quốc Bằng nói thêm.