Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

TP.HCM cần làm gì khi siết chặt giãn cách xã hội từ 23/8?

Trước tình hình số ca nhiễm trong cộng đồng ngày càng tăng, TP.HCM tiếp tục siết chặt giãn cách từ ngày 23/8. Chuyên gia cho rằng TP nên đẩy mạnh xét nghiệm người có triệu chứng.

TP.HCM siet chat cac bien phap gian cach xa hoi anh 1

Kể từ khi TP.HCM công bố kéo dài thời gian giãn cách xã hội thêm một tháng, hôm 16/8, biểu đồ ca mắc Covid-19 tại TP.HCM có sự biến động lớn. Trong khi số ca mắc mới ở khu phong tỏa giảm thì số ca phát hiện trong cộng đồng hoặc qua sàng lọc tại bệnh viện lại tăng cao.

Cùng với đó, khoảng một tuần qua, báo chí liên tục ghi nhận hình ảnh những tuyến đường đông đúc hơn so với giai đoạn giãn cách xã hội trước đây, dấy lên nhiều lo ngại về tính hiệu quả của việc thực hiện Chỉ thị 16.

Trước tình hình đó, trưa 20/8, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch TP.HCM công bố sẽ tiếp tục siết chặt hơn các biện pháp phòng dịch hiện nay, yêu cầu người dân "ai ở đâu ở yên đó", nhà cách ly với nhà, tổ dân phố cách ly với tổ dân phố, khu phố ấp cách ly khu phố ấp, phường xã thị trấn cách ly với phường xã, thị trấn.

Vì sao TP.HCM siết giãn cách xã hội?

Nhìn lại 6 ngày trước, ngay sau khi TP.HCM công bố kéo dài thời gian giãn cách thêm một tháng, hàng nghìn người ngoại tỉnh đã đổ về các cửa ngõ thành phố với mong muốn được về quê. Tuy nhiên, dòng người này bị lực lượng chức năng chặn lại, gây nên cảnh ùn ứ, tập trung đông người ở các chốt kiểm soát.

Xét nghiệm có trọng tâm, trọng điểm hơn nên việc tăng F0 là nằm trong dự báo

Phó giám đốc HCDC Nguyễn Hồng Tâm

Ngày 14-15/8, việc triển khai kiểm soát di chuyển nội địa qua ứng dụng "di biến động dân cư" gây nên cảnh tượng ùn ứ tại nhiều chốt nội thành, khiến lực lượng chức năng phải nhiều lần xả chốt. Trước nguy cơ tập trung đông người tại các chốt kiểm soát, chiều 15/8, Công an TP.HCM phải ra quyết định tạm dừng việc khai báo này.

Thêm vào đó, từ 15/8 đến nay, các cung đường của TP.HCM ngày càng trở nên đông đúc hơn. Một phần nguyên nhân xuất phát từ việc TP.HCM mở rộng nhóm người được phép ra đường khung giờ 6-18h từ 16/8, nâng lên 17 đối tượng. Ước tính mỗi ngày có khoảng 1,2 triệu người được phép ra đường.

Trước tình hình đó, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết cơ quan chức năng đã phải rà soát lại 17 nhóm đối tượng được phép ra đường. "Nhóm nào thật sự không cấp thiết sẽ bị hạn chế lại để thực hiện mục tiêu giãn cách nghiêm hơn, phòng chống dịch bệnh hiệu quả hơn", ông Đức nói.

TP.HCM siet chat cac bien phap gian cach xa hoi anh 2

Tình trạng ùn tắc xảy ra tại nhiều chốt kiểm soát trong thành phố. Ảnh: Quỳnh Danh.

Trước và sau ngày 15/8, biểu đồ số ca nhiễm SARS-CoV-2 tại TP.HCM có sự chuyển hướng rõ rệt. Trong khi số ca nhiễm trong khu phong tỏa giảm tới một nửa (từ 2.806 ca ngày 15/8 xuống 1.376 ca ngày 16/8) thì số ca nhiễm trong cộng đồng lại tăng gấp đôi (từ 697 ca ngày 16/8 lên 1.435 ca ngày 17/8).

Xu hướng này liên tục duy trì đến nay. Ngày 19/8, số ca ngoài cộng đồng và số ca phát hiện qua sàng lọc tại bệnh viện chiếm tới 82,4% tổng số ca nhiễm trong ngày, trong khi số ca trong khu cách ly, phong tỏa chỉ chiếm 17,5%. Tỷ lệ này hoàn toàn đảo ngược so với trước 15/8, khi đó, ca nhiễm ở khu phong tỏa thường chiếm 80% tổng số ca mắc Covid-19 trong ngày.

Biểu đồ phân tích số ca dương tính tại TP.HCM trước và sau 15/8
Nguồn: Cổng thông tin Covid-19
Nhãn 8/8 9/8 10/8 11/8 12/8 13/8 14/8 15/8 16/8 17/8 18/8 19/8
Cộng đồng
22 7 65 205 553 402 726 824 697 1435 1582 2236
Khu cách ly
0 171 157 85 154 27 123 31 190 497 482 475
Khu phong tỏa
3134 3098 3287 2293 2266 2251 2419 2806 1376 497 364 293
Phơi nhiễm nghề nghiệp
22 7 65 205 553 402 726 799 697 1435 1582 2236
Sàng lọc tại bệnh viện
670 683 384 745 808 812 907 824 1045 1133 1266 1367

Lý giải sự thay đổi này, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, cho biết nguyên nhân xuất phát từ sự thay đổi trong kế hoạch xét nghiệm của thành phố. Theo đó, xét nghiệm có trọng tâm, trọng điểm hơn nên việc tăng F0 là nằm trong dự báo. Bên cạnh đó, việc người dân chủ động đi xét nghiệm cũng là nguyên nhân khiến việc ghi nhận số ca nhiễm tăng.

Tuy nhiên, ngoài hai nguyên nhân trên, ông Tâm nhìn nhận việc tuân thủ giãn cách còn chưa nghiêm.

Phát huy năng lực cộng đồng dân cư

PGS.TS Đỗ Văn Dũng (Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y dược TP.HCM) cho rằng trong thời gian giãn cách xã hội tới, TP.HCM cần đẩy mạnh hơn việc xét nghiệm cho người có triệu chứng để sớm phát hiện F0, đưa vào điều trị. Việc này cải thiện được sự lây lan của các ổ dịch trong cộng đồng cũng như giảm tỷ lệ tử vong. Chuyên gia nhấn mạnh rằng nguy cơ lây nhiễm của người có triệu chứng cao hơn rất nhiều so với người không triệu chứng bởi tải lượng virus lớn.

Thêm vào đó, ông Dũng nhận định trong bối cảnh thiếu nguồn lực, TP.HCM cần tập trung rà soát những trường hợp thật sự cần điều trị để chăm sóc sớm, hạn chế tỷ lệ tử vong. Chủ trương cho người dân tự xét nghiệm tại nhà cần được đẩy mạnh hơn để tiết kiệm nguồn lực, đồng thời hạn chế nguy cơ lây nhiễm cho các nhân viên y tế.

Trước quyết định mới của thành phố, PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đời sống Xã hội, bày tỏ băn khoăn lớn về việc đảm bảo an sinh cho cho người dân. Là nhà nghiên cứu nhân học lâu năm, ông Lộc cho rằng không một tổ chức nào có thể lo hết được cho dân.

Năng lực của cộng đồng dân cư chưa được quan tâm đúng mức, thay vì trở thành cộng đồng chủ, họ trở thành cộng đồng khách

PGS.TS Nguyễn Đức Lộc

Viện trưởng Lộc cho rằng TP.HCM nói riêng và cả nước phải tham khảo bài học từ cha ông, đó là liên kết các tế bào xã hội, tận dụng tri thức cộng đồng. Trước kia là các làng, nay là các khu phố. Thiết chế cộng đồng truyền thống đầy đủ tính năng để tạo ra phòng vệ sinh tồn, ví dụ như lập kho dự trữ, địa điểm cung ứng hàng thiết yếu...

Việc tận dụng vai trò của khu phố rất quan trọng. Lực lượng của thành phố khó lo nổi cho toàn dân, nhưng một khu phố lo cho 100-200 hộ trong cụm dân cư là hoàn toàn khả thi.

"Năng lực của cộng đồng dân cư chưa được quan tâm đúng mức, thay vì trở thành cộng đồng chủ, họ trở thành cộng đồng khách", ông nói.

TS Lộc dẫn chứng về vấn đề tìm nguồn lương thực, TP.HCM vốn là đất kinh doanh, người dân trước nay đã hình thành sẵn các mạng lưới để cung ứng hàng hóa, lương thực. Sở Công Thương TP.HCM không cần tự tìm nguồn hàng mới mà có thể huy động nguồn lực sẵn có của xã hội.

"Nhà nước lâu nay làm quản lý chứ đâu có làm thị trường, nên cái gì của xã hội phải để cho xã hội làm", ông nói. Phần khó là Nhà nước lo được logistics sao cho lương thực đến được với người dân.

Chuyên gia lấy ví dụ chung cư ông dù nằm trong vùng có nguy cơ rất cao (quận Bình Thạnh) nhưng đến nay vẫn chưa có ca mắc Covid-19 nào. Người dân cũng tự mở các khu chợ online, tìm nguồn hàng, nhập về và phân phối cho nhau.

TP.HCM siet chat cac bien phap gian cach xa hoi anh 3

TP.HCM cần tận dụng tri thức cộng đồng để đảm bảo an sinh cho người dân. Ảnh: Phạm Ngôn.

Qua khảo sát một số khu vực vùng xanh, TS Lộc nhận thấy cộng đồng có năng lực tự vận hành. Một khu dân cư có đủ các thành phần như tiểu thương, y tế, dân phòng... sống xen kẽ. Trước đây, họ tỏa ra đi làm ở những khu vực khác nhau, nay họ ở nhà và có thể đóng góp cho chính cộng đồng nơi mình sinh sống.

Do đó, ông kiến nghị chính quyền nên chia nhỏ từng cụm dân cư, đẩy mạnh vai trò của khu phố. Khu phố có lãnh đạo tốt có thể chuẩn bị sẵn lương thực trong 1-2 tuần.

Trước vấn đề về nguy cơ lây nhiễm khi để cộng đồng tham gia nhiều hoạt động, ông Lộc cho rằng trong bối cảnh dịch bệnh, người dân có ý thức rất cao về việc tự bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình. Họ có thể nảy ra các sáng kiến như sử dụng ròng rọc để chuyển đồ, hạn chế tiếp xúc...

"Cộng đồng yếu chỗ nào thì chính quyền huy động chỗ đó để hỗ trợ. Đây không phải vấn đề tri thức phổ thông, mà là tri thức sinh tồn của mỗi cộng đồng, do đó, chính quyền nên tận dụng các nguồn vốn xã hội này", chuyên gia kiến nghị.

5 giải pháp siết chặt giãn cách của TP.HCM từ 0h ngày 23/8

- "Ai ở đâu ở yên đó", nhà cách ly với nhà, tổ dân phố cách ly tổ dân phố, khu phố ấp cách ly với khu phố ấp, phường xã thị trấn cách ly phường xã thị trấn.

- Tập trung chăm lo cho bệnh nhân F0, điều trị người có triệu chứng chuyển nặng để hạn chế tỷ lệ tử vong.

- Tiếp tục tiến hành lấy mẫu xét nghiệm người dân ở những khu vực "vùng đỏ" trên bản đồ Covid-19 TP.HCM.

- Tăng cường, đẩy mạnh tiêm vaccine Covid-19 cho người dân.

- Đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu, tiếp tục chăm lo đầy đủ, hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời đến người dân có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế tại địa bàn dân cư.

TP.HCM siết chặt giãn cách, người dân 'ở đâu ở yên đó' từ 0h ngày 23/8

Từ 0h ngày 23/8, TP.HCM sẽ tăng cường biện pháp chống dịch Covid-19 với yêu cầu "ai ở đâu ở yên đó", nhà cách ly với nhà, tổ dân phố cách ly với tổ dân phố...

Bộ trưởng Quốc phòng: Quân đội đã sẵn sàng hỗ trợ TP.HCM

Thủ tướng chỉ đạo dưới sự chỉ huy thống nhất của địa phương, quân đội sẽ chủ trì lo lương thực, thực phẩm cho người dân; công an sẽ đảm bảo an ninh trật tự và góp phần an dân.

Thủ tướng: Người dân TP.HCM tuyệt đối ‘ai ở đâu ở đó’ ít nhất 2 tuần

Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu người dân TP.HCM tuyệt đối “ai ở đâu thì ở đó”, người cách ly với người, nhà cách ly với nhà, tổ dân phố cách ly tổ dân phố, ít nhất 2 tuần tới.

TP.HCM phạt nhiều người loan tin thất thiệt về công tác chống dịch

Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM xử phạt 5 triệu đồng đối với chủ tài khoản có hành vi cung cấp thông tin sai sự thật, gây hoang mang dư luận.

Thu Hằng

Bình luận

Bạn có thể quan tâm