Cuộc họp trực tuyến của Thường trực Chính phủ với TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An về công tác phòng chống dịch Covid-19 diễn ra tối 19/8, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh tình hình dịch bệnh tại TP.HCM vẫn diễn biến rất phức tạp.
Công an, quân đội đã sẵn sàng
Thường trực Chính phủ, lãnh đạo các bộ ngành và lãnh đạo TP.HCM thống nhất công tác phòng chống dịch sẽ chuyển từ tập trung cao độ ở cấp thành phố sang “hai mũi”, vừa tập trung, vừa phân tán xuống đến tận từng phường, xã của TP.HCM.
Chính phủ và thành phố bảo đảm mọi nhu cầu để mỗi xã phường là một pháo đài trong mọi khâu. Dứt khoát thực hiện “ai ở đâu ở đó”, quản lý giãn cách, phong tỏa nghiêm ngặt; bảo đảm an sinh xã hội, lo ăn, ở cho người dân, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn, an dân.
Báo cáo tại cuộc họp, Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang cho biết quân đội sẵn sàng triển khai lực lượng theo chỉ đạo của Thủ tướng và theo yêu cầu của TP.HCM cùng các tỉnh, trong đó có lực lượng y bác sĩ điều trị; tham gia vận chuyển, cung ứng hàng hóa tới người dân...
Bộ Quốc phòng sẽ phối hợp với các bộ ngành làm việc trực tiếp, cụ thể với từng địa phương để tính toán phương án chi tiết cung ứng hàng hóa cho nhân dân TP.HCM và các tỉnh, cố gắng cao nhất để đáp ứng các yêu cầu “muôn hình vạn trạng” trong thực tiễn.
Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn cũng khẳng định bộ sẵn sàng huy động lực lượng cao nhất cho các tỉnh phía Nam để tham gia bảo vệ an ninh, an toàn, an dân, có thể chi viện cả lực lượng y tế nếu cần thiết.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định bộ đã đẩy mạnh đào tạo về hồi sức cấp cứu, thậm chí bổ túc khẩn cấp về hồi sức cấp cứu cho cả bác sĩ trong các chuyên ngành khác; trong những ngày tới có thể chi viện thêm 3.000 nhân lực cho TP.HCM và các tỉnh phía Nam.
Các Phó thủ tướng Lê Minh Khái, Vũ Đức Đam, Lê Văn Thành đồng tình với nhóm giải pháp quyết liệt, triệt để trong phòng, chống dịch thời gian tới tại khu vực TP.HCM, nhưng đặc biệt nhấn mạnh phải có kế hoạch chặt chẽ, chi tiết, khả thi về nguồn lực, nhân lực, vật lực, phương án áp dụng đối với các xã, phường, khu vực doanh nghiệp. Trong đó cần quy định rõ trách nhiệm cụ thể từng cấp, từng ngành, triển khai đồng bộ, phối hợp nhuần nhuyễn.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý “mặc dù xác định mỗi xã phường là một pháo đài” nhưng trong triển khai thực tế phải cố gắng đánh giá nguy cơ dịch bệnh nhỏ nhất đến từng khu phố, từng tổ dân cư, để giữ, củng cố vùng xanh nhỏ nhất, “không mặc đồng phục” chống dịch ngay từ quy mô xã, phường.
Trong công tác điều trị phải chú ý đặc điểm diễn biến triệu chứng bệnh, vì vậy cần chăm lo đầy đủ về dinh dưỡng, các loại thuốc bổ để nâng cao thể trạng, sức đề kháng cho người nhiễm Covid-19, nhất là những bà con vốn có hoàn cảnh khó khăn, không để bệnh chuyển nặng.
Phó thủ tướng Lê Văn Thành đề nghị TP.HCM phải có chỉ đạo để cấp ủy, hệ thống chính trị vào cuộc chuẩn bị ngay từ bây giờ với tinh thần “mỗi xã, phường là một pháo đài” từ cơ sở vật chất để điều trị, chăm sóc y tế tại chỗ cho người dân tại nhà, hoạt động của các tổ công tác đặc biệt, trạm y tế lưu động, phương án tiếp nhận, phân phối lương thực, thực phẩm đến tận từng gia đình, nhân lực cần chi viện…
“Chúng ta phải rà soát hết các chi tiết, các khâu như trước khi bước vào trận đánh lớn”, Phó thủ tướng nói.
Quân đội chủ trì lo lương thực cho dân
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh cần huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân để chống dịch, ổn định tình hình.
Bên cạnh giải pháp giãn cách nghiêm ngặt, Thủ tướng quán triệt không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc. “Dưới sự chỉ huy thống nhất của địa phương, với sự phối hợp của các lực lượng khác, quân đội sẽ chủ trì lo lương thực, thực phẩm cho người dân, đồng thời rất uyển chuyển, linh hoạt, tận dụng các biện pháp khác để cung ứng lương thực, thực phẩm với điều kiện tiên quyết là bảo đảm tuyệt đối an toàn”, Thủ tướng chỉ đạo.
Cùng với tăng cường lực lượng y tế, Thủ tướng cũng quán triệt tăng cường lực lượng công an để bảo đảm an ninh trật tự, an toàn, an dân. Cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị, MTTQ và các đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, kêu gọi, giải thích để người dân hiểu rõ việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch là quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi người dân. “Chúng ta làm gì cũng vì lợi ích của nhân dân”, ông nhấn mạnh.
Về an sinh xã hội, Thủ tướng giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, tiếp tục thường xuyên bám sát tình hình và yêu cầu thực tế để không bỏ sót đối tượng cần cứu trợ; lực lượng công an cơ sở tăng cường nắm tình hình để cùng các lực lượng cung cấp ngay lương thực, thực phẩm cho những người vô gia cư, lang thang…
Thủ tướng cũng yêu cầu nghiên cứu, tính toán khả năng di dời một bộ phận người dân ra khỏi một số địa điểm để giãn cách, giảm mật độ người tập trung trong một khu vực như kinh nghiệm đã được thực hiện tại một số tỉnh phía Bắc, sử dụng doanh trại quân đội, trường học, cơ sở lưu trú… cho việc này.
Với các nhiệm vụ liên quan tới công tác tiêm vaccine, Thủ tướng nhấn mạnh có thể huy động lực lượng y tế của công an và quân đội hỗ trợ. Ngoài ra, huy động nguồn lực tư nhân trong phòng chống dịch, thông tin - truyền thông, lưu thông hàng hóa, hoạt động của các cơ quan Nhà nước, xuất cấp dự trữ quốc gia hỗ trợ các địa phương, duy trì sản xuất kinh doanh trên cơ sở bảo đảm an toàn…
Người đứng đầu Chính phủ lưu ý, chống dịch là nhiệm vụ quan trọng nhất, là ưu tiên số 1 hiện nay, nhưng cũng không thể bỏ quên, lơ là, để tê liệt các hoạt động, các nhiệm vụ quan trọng khác.
Thủ tướng giao Phó thủ tướng Phạm Bình Minh tiếp tục thúc đẩy ngoại giao vaccine. Phó thủ tướng Lê Minh Khái phụ trách, chỉ đạo chung về công tác hậu cần, tài chính, xuất cấp dự trữ quốc gia...
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phụ trách, chỉ đạo chung về công tác phòng chống dịch và y tế. Phó thủ tướng Lê Văn Thành phụ trách, chỉ đạo chung về công tác cung ứng hàng hóa. Các bộ trưởng theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, phải thực hiện nhiệm vụ với tinh thần trách nhiệm cao nhất, tất cả vì nhân dân.
“Các bộ trưởng phải vào cuộc ngay, không chập chờn” để thực hiện các nhiệm vụ nói trên, Thủ tướng yêu cầu.
Thủ tướng: 'Kiểm soát dịch ở miền Nam mới kiểm soát được trên cả nước'
Nhấn mạnh kiểm soát được dịch ở miền Nam mới có thể kiểm soát được dịch bệnh trên cả nước, Thủ tướng yêu cầu sẵn sàng điều ngay y, bác sĩ cho các tỉnh, thành phía Nam.
Thủ tướng: Chống dịch chưa đạt mong muốn, nhất là ở phía Nam
Nhận định tình hình dịch Covid-19 còn rất nghiêm trọng, Thủ tướng cho rằng việc phòng, chống dịch vẫn chưa đạt như mong muốn, nhất là tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam.
Thủ tướng: Làm rõ vụ 5 cơ sở y tế từ chối cấp cứu khiến bệnh nhân chết
Thủ tướng chỉ đạo xác minh, làm rõ vụ 5 cơ sở y tế tại tỉnh Bình Dương không tiếp nhận cấp cứu khiến một người dân tử vong.