Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

TP.HCM cần làm gì để tránh viễn cảnh quá tải hệ thống y tế?

TS Nguyễn Thu Anh cho rằng với chiến lược y tế hiện nay, khi số ca mắc chạm mốc 40.000, TP.HCM có thể sẽ không thể trụ vững trước làn sóng dịch Covid-19 thứ 4.

dich Covid-19 bung phat anh 1

Trong hội nghị sơ kết 7 ngày thực hiện cách ly xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 16 diễn ra chiều 15/7, lãnh đạo TP.HCM cho biết thành phố đang điều trị cho 20.411 người bệnh, trong đó có 246 ca đang thở máy, với 7 trường hợp cần can thiệp ECMO. Trong hai ngày 16 và 17/7, TP.HCM ghi nhận thêm lần lượt 2.420 và 2.786 ca nhiễm.

“Với nguồn lực và cách làm hiện nay, TP.HCM có lẽ chỉ chịu được mức 40.000 bệnh nhân”, TS.BS Nguyễn Thu Anh - Giám đốc Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock tại Việt Nam, giảng viên Lâm sàng cao cấp Đại học Sydney, Australia - nhận định khi trao đổi với Zing. Vì thế, thành phố cần lên kế hoạch để có đủ nguồn lực khi dịch diễn biến nghiêm trọng hơn.

Trong khi đó, về lâu dài, giáo sư Teo Yik-Ying - Hiệu trưởng Trường Y tế Công cộng Saw Swee Hock, thuộc Đại học Quốc gia Singapore (NUS) - khuyến cáo Việt Nam cũng cần lên kịch bản tính toán, dự trù nguồn cung vật tư, thiết bị y tế để phát hiện thiếu hụt, từ đó tìm cách bổ sung trước khi kho y tế cạn kiệt.

dich Covid-19 bung phat anh 2

Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 (TP Thủ Đức, TP.HCM) được trưng dụng làm Bệnh viện Hồi sức Covid-19. Cơ sở này đi vào hoạt động từ ngày 15/7. Đây là bệnh viện tuyến cuối điều trị Covid-19 của TP.HCM. Ảnh: Duy Hiệu.

Không đợi bệnh nhân chuyển nặng rồi mới chữa trị

Để chuẩn bị trước cho tình trạng thiếu nhân lực, thiếu vật tư thiết bị y tế, tiến sĩ Thu Anh đưa ra 4 giải pháp:

Đầu tiên, TP.HCM cần phân bổ nguồn lực phù hợp hơn. Bác sĩ và bệnh viện tuyến dưới quản lý, chăm sóc ca bệnh nhẹ. Trong khi đó, bác sĩ và bệnh viện tuyến trên sẽ quản lý và điều trị ca bệnh nặng.

“Điều quan trọng là sớm phát hiện phát hiện sớm bệnh nhân có nguy cơ chuyển nặng, không chờ nặng, để điều trị ngay. Cách làm này sẽ giúp giảm tỷ lệ bệnh nhân nặng”, bác sĩ Thu Anh cho hay.

Sau khi làm tốt phương án trên, bà khẳng định lúc này thành phố mới nên “xin hỗ trợ theo nhu cầu”.

Ngoài ra, thành phố cần thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 để giảm số ca mắc mới, hay bổ sung trang thiết bị, thuốc, vật tư, hóa chất, sinh phẩm cũng là chiến lược TP.HCM cần thực hiện để giải quyết tình trạng này.

dich Covid-19 bung phat anh 3

Lực lượng dân quân tự vệ, nhân viên y tế khuân vác vật dụng, nước uống trang bị cho bệnh viện dã chiến và F0 đang cách ly. Ảnh: Duy Hiệu.

Tại hội nghị chiều 15/7, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết thành phố đã chuẩn bị 39.240 giường điều trị tại 23 bệnh viện, đang điều trị 15.990 bệnh nhân. Thành phố cũng đang gấp rút xây dựng 2 bệnh viện dã chiến quy mô 5.800 giường tại huyện Bình Chánh và quận 7, dự kiến hoàn thành trước 30/8.

Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi ngày 16/7 cũng nói rằng trước khi thực hiện Chỉ thị 16, thành phố đã chuẩn bị cho 20.000 ca mắc Covid-19. Sau đó, ngành y tế chuẩn bị cho 40.000 ca bệnh và có tư thế chuẩn bị đến 50.000-60.000 ca mắc.

Về trang thiết bị y tế như máy thở, máy lọc máu, ECMO…, thành phố sẽ huy động huy động nguồn lực sẵn có từ các bệnh viện thành phố. Ngày 17/7, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết Bộ Y tế sẽ thành lập kho trang thiết bị, vật tư tiêu hao dã chiến tại TP.HCM và điều phối 2.000 máy thở cho kho dự trữ này.

Để chuẩn bị cho tình huống kịp thời mua sắm trang thiết bị y tế theo phương thức chỉ định thầu trong thời gian đại dịch, Trung tâm mua sắm trang thiết bị y tế tạm thời trực thuộc UBND Thành phố cũng đã được thành lập.

Về nhân lực, thành phố đang tổ chức tiếp nhận 10.000 nhân lực y tế từ các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế và các địa phương, đồng thời điều phối nguồn nhân lực tại chỗ. Tính đến nay, đã có hơn 4.000 nhân viên y tế trên cả nước đến tâm dịch TP.HCM hỗ trợ công tác phòng, chống dịch.

"Đừng đợi lúc cạn kiệt mới yêu cầu giúp đỡ"

Xét về lâu dài, để tránh viễn cảnh quá tải hệ thống y tế, thiếu oxy như Indonesia hay Myanmar đang trải qua, giáo sư Teo Yik-Ying cho rằng Việt Nam là một quốc gia rộng lớn, do đó cần có sự phối hợp đầy đủ và hợp lý giữa nguồn lực y tế và cơ quan cung cấp vật tư y tế.

“Liệu Việt Nam đã có một hệ thống thông tin dữ liệu xem xét xu hướng phát triển dịch bệnh ở các khu vực trên toàn quốc hay chưa, và mỗi khu vực khác nhau ở Việt Nam sẽ cần nguồn lực y tế gì?”, ông Teo đặt câu hỏi.

Như vấn đề oxy y tế, chuyên gia này đề xuất để tránh tình trạng thiếu hụt, Bộ Y tế cần một cái nhìn tổng quan về nguồn cung oxy trên toàn quốc và nhu cầu sử dụng oxy ở mỗi vùng hiện nay.

Trong tình huống này, Việt Nam có thể triển khai cách tiếp cận mô hình hóa, sử dụng dữ liệu dịch tễ học và thống kê để xem nhu cầu oxy, giường bệnh trong khoảng thời gian một tuần, hai tuần, một tháng tới.

“Từ đó chính quyền sẽ xem xét liệu có khả năng xảy ra tình trạng thiếu hụt hay không”, giáo sư NUS đề xuất. “Nếu có tình trạng thiếu hụt tại một khu vực, đây là lúc họ tiếp cận nguồn cung y tế từ những vùng khác. TP.HCM đang chứng kiến đợt bùng phát dịch mới, nhưng ở các khu vực khác tình hình kiểm soát rất tốt. Chúng ta cần chuyển một số nguồn lực y tế từ các vùng khác của Việt Nam, để những khu vực có nhu cầu tiếp nhận nguồn cung này”.

dich Covid-19 bung phat anh 4

Một bệnh nhân phải thở oxy tại bệnh viện dã chiến TP.HCM. Ảnh: Duy Hiệu.

“Nếu trên quy mô toàn quốc xảy ra tình trạng thiếu hụt, đây là lúc Việt Nam tiếp cận các đối tác quốc tế, như Singapore, Thái Lan hay Mỹ. Quan trọng là phải liên lạc với họ từ sớm nếu trong tương lai số ca mắc tiếp tục tăng. Thay vì đợi khi nguồn lực sắp hoặc đã cạn kiệt rồi mới yêu cầu sự giúp đỡ, hãy tiếp cận ngay từ sớm”, chuyên gia khẳng định.

Tại Ấn Độ, những chuyến bay cứu trợ chỉ được xúc tiến mạnh mẽ khi tình hình đã nghiêm trọng và số ca nhiễm, tử vong tăng cao.

Ngoài ra, một biện pháp khác mà ông đưa ra để tránh tình trạng quá tải là với một số người nhiễm virus corona mà không có bất kỳ triệu chứng nào, họ sẽ không cần phải đến bệnh viện. Thay vào đó, họ có thể cách ly ở các cơ sở cộng đồng.

“Giả sử tôi mắc bệnh, kết quả xét nghiệm PCR của tôi là dương tính, nhưng tôi không có biểu hiện bệnh, tôi khá khỏe mạnh nên không có lý do nào mà tôi lại phải ở trong bệnh viện”, vị chuyên gia đưa ra ví dụ. “Như vậy, bệnh viện sẽ có chỗ cho người có triệu chứng nghiêm trọng hoặc có vấn đề về sức khỏe”.

Chuyên gia NUS: Cần phạt mạnh tay người vi phạm cách ly tại nhà

Giáo sư Dale Fisher, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm ở Đại học Quốc gia Singapore (NUS), nói cần có biện pháp cứng rắn để răn đe hành vi vi phạm khi thực hiện cách ly F1 tại nhà.

Người Việt ở Singapore mong mỏi kế hoạch sống chung với đại dịch

Một số người Việt tại Singapore bày tỏ sự lạc quan về cuộc sống bình thường mới, sau khi chính phủ nước này thông báo đang chuẩn bị cho kế hoạch sống chung với đại dịch.

Biến chủng Delta trì hoãn giấc mơ mở cửa của người Việt ở Anh

Mặc dù cuộc sống đã dần ổn định trở lại, sự xuất hiện của biến chủng virus corona mới khiến Anh phải trì hoãn lệnh mở cửa, làm xáo trộn nhiều kế hoạch của người Việt tại nơi này.

Phương Linh

Bạn có thể quan tâm