“Cuộc sống ở Anh hầu như đã trở lại bình thường. Tuy nhiên, chính phủ Anh vẫn chưa hoàn toàn dỡ bỏ các lệnh hạn chế", Thùy Dương (26 tuổi) hiện sinh sống tại thành phố Newcastle upon Tyne chia sẻ với Zing những ngày sau khi biến chủng Delta xuất hiện tại Anh.
“Đối với những người làm trong ngành dịch vụ (như quán ăn, cửa hàng bán quần áo, tiệm làm đẹp), việc trì hoãn như vậy sẽ ảnh hưởng lớn đến công ăn việc làm và cuộc sống của họ”, Dương nói.
Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm 14/6 đã tuyên bố lùi ngày dỡ bỏ toàn bộ các biện pháp hạn chế chống dịch Covid-19. Ông cho biết thời gian hoãn sẽ được sử dụng để đẩy nhanh chương trình tiêm chủng của Anh, với 2/3 dân số dự kiến tiêm đủ hai mũi vào ngày 19/7.
Động thái này xuất phát từ sự gia tăng các ca mắc liên quan đến biến chủng Delta, với khả năng lây lan nhanh hơn và gây ra nhiều trường hợp nhập viện hơn ở những người chưa tiêm vaccine.
Sự xuất hiện các biến chủng mới giờ đây cũng đặt ra những “phép thử" cho kế hoạch sống chung với dịch của người Việt ở xứ sở sương mù.
Cuộc sống đã trở lại 70-80%
Cuộc sống tại quốc gia châu Âu từng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch Covid-19 đang dần phục hồi.
Tôn Thất Huy (25 tuổi) kể lại anh đã gặp rất nhiều khó khăn khi Anh đóng cửa bởi không thể ra ngoài đường, gặp bạn bè và giao tiếp với người xung quanh. Thậm chí, anh chỉ có thể đi ra ngoài thể dục 30 phút mỗi ngày và luôn có xe cảnh sát đi tuần tra bên ngoài nhắc nhở người dân. Giờ thì mọi thứ rất khác.
“Cuộc sống bên này phải bình thường lại được 70-80% rồi”, Huy nói.
Từ ngày 17/5, chính phủ Anh bắt đầu dỡ bỏ dần các lệnh hạn chế xã hội. Huy cho biết hiện các nhà hàng trong nhà đã được phép đón 6 khách một lúc, trong khi ngoài trời người dân được tụ tập nhưng không quá 30 người.
“Thứ bảy, chủ nhật tôi có cơ hội lên các thành phố và thấy người dân ra ngoài đường khá nhiều. Nhiều nơi đông vui nhộn nhịp vì đa số lệnh hạn chế đã được gỡ bỏ. Mọi người có thể gặp nhau bên ngoài, rủ nhau đi ăn đi uống bình thường”, anh chia sẻ.
Nhiều người xuất hiện tại các khu mua sắm khi lệnh hạn chế dần được giảm bớt. Ảnh: NVCC. |
Huy cũng cho biết nơi anh đang làm dược sĩ thực tập - bệnh viện Đại học Norfolk và Norwich - hiện chỉ ghi nhận số ca hàng ngày đếm trên đầu ngón tay.
“Con số đã ít hơn rất nhiều so với tầm tháng 1-2. Mới đầu năm thôi chúng tôi vẫn còn tiếp nhận khoảng 200-300 ca mỗi ngày”, anh cho hay.
Tương tự, Thùy Dương cũng nhận định cuộc sống tại Anh hầu như đã trở lại bình thường. Nhiều người đã có thể tự tin đi lại, ôm nhau hay uống bia nơi công cộng, ăn tối trong nhà hàng.
“Mặc dù vậy, các trung tâm thể dục và các cơ sở làm đẹp vẫn có các biện pháp giãn cách. Người ta hạn chế số người đến phòng tập gym bằng cách yêu cầu người tập phải đặt giờ cụ thể trước khi đến”, Dương nói.
Vaccine là một trong những vũ khí hàng đầu giúp nước Anh dần nới lỏng các lệnh hạn chế và đạt được những thành công như vậy.
Tháng 12/2020, Anh là một trong những quốc gia đầu tiên triển khai chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn. Theo số liệu từ chính phủ Anh, hơn 78,5 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 được triển khai ở nước này, trong đó có 33,4 triệu người đã được tiêm đầy đủ hai mũi vaccine.
Thùy Dương đã được tiêm 2 mũi vaccine Pfizer. Chị nhận định chính phủ Anh đang triển khai rất tốt trong việc tiêm vaccine.
“Tới thời điểm hiện tại thì người dân trong mọi nhóm tuổi đều có thể tiêm vaccine rồi. Người Việt ở Anh được đối xử công bằng như những nhóm cộng đồng khác. Ai muốn đi tiêm vaccine thì chỉ cần đăng ký lịch tiêm rồi đi thôi”, Dương chia sẻ.
Chị cho biết sắp tới Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) sẽ triển khai các trạm tiêm vaccine lưu động để đẩy nhanh tới mốc cả nước được tiêm vaccine.
Trần Phương Thảo, (24 tuổi) đang sinh sống ở thành phố Manchester, chia sẻ chị vừa tiêm mũi vaccine Pfizer thứ 2 vào ngày 30/6.
“Chính phủ Anh đã triển khai tiêm AstraZeneca cho người trên 40 tuổi và Pfizer cho người 18-40 tuổi cùng phụ nữ có thai”, Thảo cho biết.
Chị Phương Thảo (24 tuổi) đang sống ở Manchester, Anh đã tiêm mũi 2 vaccine Pfizer. Ảnh: NVCC. |
“Phòng thí nghiệm" chống biến chủng Delta
Tuy nhiên, biến chủng Delta lây lan nhanh chóng tại Anh đang đe dọa đến hy vọng khôi phục lại cuộc sống như trước đại dịch của người dân xứ sở sương mù.
Chỉ trong ngày 4/7, Anh đã ghi nhận thêm 20.000 ca mắc mới. Anh Huy chia sẻ chiến lược tiêm chủng ở Anh đã giúp giảm bớt ca phải nhập viện cũng như tử vong do Covid-19 mặc dù số trường hợp mắc không ngừng gia tăng gần đây.
“Tuy nhiên, người tiêm vaccine vẫn có thể mắc Covid-19 và chính phủ Anh vẫn rất thận trọng trong làn sóng dịch mới”, Huy nói.
Đồng quan điểm, Thảo cho hay trước tình trạng gia tăng các ca mắc mới, chính phủ Anh vẫn giữ một số lệnh hạn chế như đeo khẩu trang trong không gian kín ở các ga tàu điện, cửa hàng, nhà hàng (trừ lúc ăn uống). Ở nhiều nơi, các khẩu hiệu cảnh báo người dân về mối nguy của virus vẫn được dán ở khắp nơi.
Khẩu hiệu tuyên truyền đeo khẩu trang được dán ở nhiều nơi. Ảnh: NVCC. |
Chính phủ đang xem xét tỷ lệ tử vong trước khi mở cửa hoàn toàn đất nước. Nếu tỷ lệ tử vong rất thấp có nghĩa là vaccine có tác dụng, và trong tương lai, có thể nó chỉ là 1 bệnh cúm thông thường thôi. Tuy nhiên, đến hiện tại tất cả vẫn cần thời gian để theo dõi.
Hiện Anh, nơi có tỷ lệ tiêm chủng hàng đầu thế giới, là một trong những quốc gia được quan tâm hàng đầu trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, theo Guardian.
Được ví như “phòng thí nghiệm" chống biến chủng Delta của thế giới, tình hình ở Anh trong vài tháng tới đây có thể là bài học quý giá cho các quốc gia để trả lời câu hỏi liệu vaccine có thể phá vỡ mối liên kết giữa việc nhiễm biến chủng Delta với nguy cơ nhập viện cũng như với nguy cơ tử vong hay không.
Những kế hoạch không thành
Trước sự xuất hiện của biến chủng mới, chính sách mở cửa trở lại ở Anh có thể sẽ phải chờ đến ngày 19/7 sau khi bị trì hoãn hơn một tháng. Đây không phải điều nhiều người hy vọng.
Mặc dù nhiều nơi đã phục vụ ngoài trời, theo BBC, 60% khách sạn, nhà hàng không có không gian bên ngoài và đến nay chưa thể hoạt động hoàn toàn bình thường trở lại.
Nhiều doanh nghiệp không thể vận hành đúng công suất của họ như trước đại dịch.
Họ đối mặt với viễn cảnh thanh toán tiền nhà xưởng, các khoản vay do Covid-19 và tình trạng thiếu nhân viên trầm trọng, những người mất việc vì đại dịch trước đó.
Người Việt Nam đang sinh sống tại Anh cũng rơi vào thế “bị động" khi kế hoạch mở cửa quốc gia bị trì hoãn.
Thùy Dương cho hay vì chị làm việc tại nhà, biến chủng Delta xuất hiện tại Anh không mấy ảnh hưởng đến cuộc sống của chị. Tuy nhiên, đối với những người đang làm trong ngành dịch vụ thì tương lai không chắc chắn của việc mở cửa có thể ảnh hưởng rất lớn đến công việc làm ăn của họ.
“Một minh chứng rõ ràng là khi đi trên đường phố London, tôi nhìn thấy rất nhiều cửa hàng bị phá sản và buộc phải đóng cửa do không thể cầm cự được trước ảnh hưởng của dịch bệnh kéo dài”, Dương cho biết.
Bolton, một trong những khu vực triển khai tiêm vaccine nhanh chóng ở Anh, đã ghi nhận ca mắc Covid-19 liên quan đến biển chủng Delta. Ảnh: Christopher Furlong. |
Kế hoạch cá nhân của nhiều người cũng bị ảnh hưởng bởi sự xuất hiện của biến chủng Delta tại Anh.
Huy kể lại một người bạn của mình đã phải sắp xếp lại lịch cưới sau khi Anh hoãn nới lỏng các hạn chế thêm 4 tuần.
“Bạn tôi đã lên kế hoạch tổ chức đám cưới và mời khá nhiều người sau khi có thông tin mở cửa hôm 21/6. Thành ra khi kế hoạch mở cửa bị trì hoãn, họ phải dời lại lịch đám cưới vì quy định về phòng chống dịch không cho phép tụ tập quá 30 người", Huy cho biết.
Bên cạnh đó, anh chia sẻ chỗ làm của mình thỉnh thoảng tổ chức các sự kiện cho nhân viên (khoảng 30-40 người), tuy nhiên, vì lệnh lùi ngày mà họ phải hoãn lịch tới tháng 7.
“Cũng không chắc là tới 19/7 này, kế hoạch mở cửa có diễn ra theo đúng lịch trình để tổ chức được hay không. Nó còn phụ thuộc vào đánh giá của chính phủ trước các biến chủng mới như Delta nữa”, Huy cho hay.