Sáng 29/12, TP Thủ Đức (TP.HCM) ra mắt camera thông minh giám sát an ninh trật tự trên địa bàn.
Phó chủ tịch UBND TP Thủ Đức Nguyễn Kỳ Phùng cho biết địa bàn có quy mô dân số hơn 1,2 triệu người, việc đô thị hóa kéo theo nhiều bất cập về ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông, an ninh trật tự.
Trong khi đó, lực lượng chức năng chưa thể thường xuyên ra quân tuần tra, kiểm soát trên tất cả tuyến đường. Từ thực tế này, UBND TP Thủ Đức cùng các đơn vị xây dựng hệ thống camera thông minh sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để quản lý trật tự an toàn xã hội. Đây được xem là bước ngoặt của địa phương trong công cuộc phát triển chính quyền số, đô thị thông minh.
Lễ ra mắt camera thông minh giám sát an ninh trật tự trên địa bàn TP Thủ Đức. Ảnh: Thư Trần. |
Đại tá Nguyễn Hoàng Thắng, Trưởng Công an TP Thủ Đức, thông tin địa bàn hiện có hơn 3.000 camera giám sát an ninh trật tự ở 34 phường. Công an địa phương đã tích hợp về Trung tâm camera giám sát của Công an TP Thủ Đức hơn 500 camera, trong đó có 114 camera loại quay quét thuộc Hệ thống camera giám sát của Công an TP.
Trong giai đoạn 1 của lộ trình xây dựng hệ thống camera thông minh, Công an TP Thủ Đức đã lắp đặt mới 6 camera AI tại bốn phường, chuyển đổi 12 camera hiện hữu thành camera AI. Các camera này có thể phân tích hình ảnh, nhận diện biển số xe, mô phỏng và dự đoán lộ trình di chuyển của phương tiện.
Đại tá Thắng cho biết thêm địa phương còn sử dụng máy bay không người lái để thực hiện một số nhiệm vụ quan sát trên diện rộng nhờ vào kích thước nhỏ gọn, khả năng di chuyển linh hoạt.
Đây là thiết bị hỗ trợ đắc lực cho lực lượng công an khi thực thi nhiệm vụ, giúp các trinh sát rút ngắn thời gian truy xét, khám phá các vụ án, tiếp cận những vị trí mà con người khó có thể tiếp cận. Từ việc sử dụng máy bay không người lái, Công an TP Thủ Đức đã phát hiện 6 vụ tội phạm về trật tự xã hội, ma túy và tệ nạn xã hội, tạm giữ 38 đối tượng liên quan tiếp tục điều tra.
Sách hay về Nam Bộ
Tản mạn kiến trúc Nam Bộ mang đến cái nhìn đầy đủ, toàn diện về lịch sử kiến trúc dân dụng miền Nam từ cuối thế kỷ 19 đến cuối thế kỷ 20. Đặc biệt, trên chặng đường khám phá kiến trúc, độc giả còn được tiếp cận với những câu chuyện về lịch sử xây dựng, về tập quán, văn hóa của địa phương, và về cả những ước mơ, khát vọng, phong cách của gia chủ trên từng đường nét của ngôi nhà.
Chuyện trong nhà ngoài xóm miệt Hậu Giang - nhiều câu chuyện kể cụ thể, tự nhiên về lối sống và tính cách của bà con miền Tây được ghi lại chân thực, mộc mạc. Sách không chỉ gợi lên cảm giác thân thương nơi những người con vùng sông Hậu, mà còn khiến người đọc nói chung cảm thấy ấm lòng và mát dạ biết bao khi được nghe câu nói quen thuộc “bà con chòm xóm tối lửa tắt đèn có nhau”.