Với mục tiêu chính là phát triển mạng lưới giao thông, tạo không gian xanh, các tiện ích công cộng, giảm áp lực giao thông và chi phí đi lại cho những người dân địa phương, tạo nền tảng để phát triển kinh tế xã hội, nội dung của dự án bao gồm các hoạt động: xây dựng hạ tầng kỹ thuật để vận hành BRT, xây dựng các trạm dừng, nhà ga, cầu đi bộ và không gian công cộng như công viên, cây xanh, cảnh quan trên hành lang Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ. Lộ trình tuyến BRT số 1 sẽ từ nút giao Cát Lái (Rạch Chiếc) đi dọc đường Mai Chí Thọ - Võ Văn Kiệt tới vòng xoay An Lạc, quận Bình Tân. Dự án dự kiến được hoàn thành vào tháng 12/2018.
Ông Lương Minh Phúc - Giám đốc ban QLĐT Xây dựng Công trình Giao thông Đô thị TP HCM phát biểu tại sự kiện. |
Đại diện các đơn vị chính thức công bố dự án Phát triển Giao thông Xanh TP HCM và Hệ thống nhận diện thương hiệu Sài Gòn BRT. |
Hệ thống nhận diện thương hiệu của Saigon BRT cũng nhận được nhiều phản hồi tích cực của công chúng nhờ thiết kế hiện đại và đẹp mắt với hình ảnh chim én tượng trưng cho mùa xuân phương Nam đang vút bay cùng tông màu xanh dương và cam khỏe khoắn.
Hình ảnh ý tưởng thiết kế xe buýt và trạm dừng xe buýt Sài Gòn BRT. |
Khu vừa ra mắt, dự án đã nhận được những phản hồi tích cực từ người dân địa phương bởi nhiều lý do. Đó là Saigon BRT sẽ chạy trên làn đường riêng với tổng chiều dài khoảng 23 km dọc đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ. Xe buýt BRT sẽ sử dụng làn đường riêng để đảm bảo tốc độ và giảm rủi ro va chạm với các phương tiện khác.
Với khả năng chuyên chở lên tới 80-90 khách một chuyến với tần suất cao, xe buýt BRT sẽ giúp làm giảm đáng kể lưu lượng xe cá nhân lưu thông trên đường, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân thành phố. Các trạm dừng Saigon BRT được xây dựng ở trung tâm mặt cắt ngang tuyến đường nên người sử dụng BRT sẽ được hỗ trợ bởi hệ thống đèn tín hiệu ưu tiên giúp giảm tối đa thời gian dừng chờ.
Bên cạnh đó, hệ thống xe buýt BRT sử dụng loại khí nhiên liệu sạch CNG để giảm thiểu tối đa mức độ phát thải ra môi trường. Người sử dụng BRT sẽ dùng thẻ thông minh để lên xuống xe tương tự như đối với tàu điện trên cao hay tàu điện ngầm. Hệ thống điều khiển ITS sử dụng hệ thống truyền dẫn thông tin liên lạc kết nối hệ thống đèn tín hiệu giao thông, kết nối kiểm soát đội xe, hệ thống vé, hệ thống thông tin hành khách, hệ thống camera giám sát...
Với xe buýt BRT, sàn xe được thiết kế bằng với cốt nền nhà chờ giúp người đi xe lăn có thể dễ dàng di chuyển ra, vào xe buýt. Đặc biệt, để người sử dụng có thể thuận tiện khi kết nối với các hệ thống giao thông công cộng khác như Metro, tuyến BRT số 1 sẽ kết nối với tuyến Metro số 1 tại trạm dừng số 27 và ga cuối Rạch Chiếc.