Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TP HCM lần đầu lọt top 5 nơi có môi trường kinh doanh tốt

Về điều hành kinh tế cũng như môi trường kinh doanh ở Việt Nam, Đà Nẵng tiếp tục đứng đầu. Hai vị trí tiếp theo thuộc về Đồng Tháp, Lào Cai. TP HCM xếp thứ 4.

Ngày 16/4, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố Báo cáo thường niên Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2014. Khảo sát PCI 2014 nhận được sự hưởng ứng của gần 10.000 doanh nghiệp dân doanh ở 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. 

Năm nay, Đà Nẵng tiếp tục bảo vệ vị trí quán quân của bảng xếp hạng PCI với số điểm 66,87 trên thang điểm 100. Đồng Tháp, Lào Cai lần lượt xếp ở 2 vị trí tiếp theo. Đây là 2 gương mặt quen thuộc trong nhóm đầu của bảng xếp hạng hàng năm.

Đáng chú ý, trong bảng xếp hạng 2014, lần đầu tiên TP HCM có mặt trong top 5, sau 10 năm công bố bảng xếp hạng. Trung tâm kinh tế hàng đầu cả nước này xếp vị trí thứ 4, đạt 62,73 điểm. Vị trí thứ 5 là Quảng Ninh. 

Sau 10 năm công bố bảng xếp hạng PCI, lần đầu tiên TP HCM lọt vào top 5. Ảnh: Anh Tuấn.

Chất lượng điều hành kinh tế của các tỉnh, thành phố Việt Nam tiếp tục có sự chuyển biến tích cực. Năm nay, điểm tỉnh trung vị của PCI tăng từ 57,81 năm 2013 lên 58,58 điểm. Điều này cho thấy mức độ thay đổi tích cực về chất lượng điều hành các tỉnh.

Theo tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, việc tạo ra một môi trường kinh doanh minh bạch, thông thoáng là kỳ vọng của mọi nhà đầu tư đối với Việt Nam. Điều tra PCI 2014 cũng cho thấy những khởi sắc về môi trường kinh doanh trong nước. 

46,1% doanh nghiệp dân doanh dự kiến sẽ mở rộng quy mô kinh doanh trong vòng 2 năm tới. So với mức 32,5% của 1 năm về trước, 46,1% là con số ấn tượng. Tỷ lệ này đối với các doanh nghiệp FDI là 50%.

Cũng theo báo cáo PCI 2014, cảm nhận của 1.491 doanh nghiệp FDI cho thấy Việt Nam tiếp tục được đánh giá tích cực về sự ổn định chính sách, mức độ rủi ro bị thu hồi tài sản thấp. Khả năng tham gia của doanh nghiệp vào việc hoạch định chính sách, mức thuế hợp lý cũng là những điểm được đánh giá cao.

"Kết quả điều tra PCI năm nay cho thấy những tín hiệu đáng khích lệ. Cộng đồng doanh nghiệp dân doanh và các nhà đầu tư nước ngoài đã lạc quan hơn về triển vọng đầu tư kinh doanh", ông Ted Osius, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam kết luận.  

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh hay PCI (viết tắt của Provincial Competitiveness Index) là chỉ số đánh giá và xếp hạng chính quyền các tỉnh, thành của Việt Nam về chất lượng điều hành kinh tế và xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho việc phát triển doanh nghiệp dân doanh. 

Đây là dự án hợp tác nghiên cứu giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Dự án Sáng kiến cạnh tranh Việt Nam (là dự án do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ).

Thương hiệu nào hấp dẫn nhất Việt Nam?

Unilever và Vinamilk một lần nữa khẳng định vị thế trong việc thu hút nhân tài khi dẫn đầu danh sách "100 công ty lý tưởng nhất Việt Nam", do Universum công bố.

Tô Đức

Bạn có thể quan tâm