Trong giai đoạn 2020-2021, thị trường ghi nhận lượng hàng xách tay tại Việt Nam ngày càng giảm. Điều này phản ánh thực tế người dùng đã không còn quá mặn mà với hàng xách tay. Miếng bánh thị phần đang được chia lại, nơi mà hàng chính hãng chiếm ưu thế.
Sản phẩm Apple chính hãng lên ngôi tại Việt Nam
Theo chia sẻ của ông Đoàn Văn Hiểu Em - Tổng giám đốc Thế Giới Di Động, trong những năm trước khi bùng phát dịch Covid-19, Việt Nam chỉ được xếp vào thị trường hạng ba, hạng tư của Apple. Với các sản phẩm nhà Táo mới ra mắt Mỹ hay Singapore, ít nhất từ 5 tuần đến 2 tháng sau Việt Nam mới có hàng.
Gần đây, với sự phát triển mạnh mẽ của các chuỗi hệ thống bán lẻ sản phẩm chính hãng Apple, người dùng Việt Nam chỉ mất khoảng 4 tuần để "tậu" hàng mới.
Ông Hiểu Em nhận định: “Tình trạng ‘lệch pha’ những năm trước đây dẫn đến việc người dùng thích đặt hàng xách tay từ Mỹ hay Singapore, nhưng hiện tại khoảng cách dần được rút ngắn. Apple dần xem Việt Nam là thị trường trọng điểm với sự đầu tư lớn, chẳng hạn năm ngoái, họ có sự hợp tác chặt chẽ với Thế Giới Di Động để tạo ra chuỗi cửa hàng TopZone, mang đến không gian trải nghiệm mua sắm đạt chuẩn Apple tại Việt Nam”.
Ông Đoàn Văn Hiểu Em - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thế Giới Di Động. Ảnh: Phương Lâm. |
Theo vị CEO Thế Giới Di Động, người dùng Việt đã có thể yên tâm khi khoảng cách giá sản phẩm mua ở trong nước với các thị trường khác không còn chênh lệch. Thị trường Việt Nam hiện nay hội tụ đủ tiêu chí như điểm bán phủ sóng, trải nghiệm mua hàng tiện lợi, sản phẩm có chính sách bảo hành đầy đủ, thời gian giao hàng sớm. Tại TopZone, khách hàng còn được bảo hành một đổi một nếu trong 30 ngày đầu sản phẩm phát sinh vấn đề - điều mà hàng xách tay không thể nào đáp ứng được.
“Cách đây hai năm, tôi ước tính thị phần hàng chính hãng - hàng xách tay là 50-50, giờ có thể khẳng định 90% sản phẩm người dùng lựa chọn là hàng chính hãng trong nước”, ông nhận định.
Tại Việt Nam, Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh là những chuỗi bán lẻ đã phân phối các sản phẩm chính hãng nhà Táo từ lâu. Nhưng theo ông Hiểu Em, tập đoàn vẫn ấp ủ khát vọng là mở không gian mua sắm đạt chuẩn Apple dành cho người dùng Việt.
“Thế Giới Di Động đã đặt đề bài, trao đổi hướng hợp tác với Apple, tìm cách mang mô hình store ở Mỹ về Việt Nam. Trên thế giới có khoảng 500 store Apple, đa phần ở Mỹ, còn khu vực Đông Nam Á mới có hai cửa hàng tại Singapore và một tại Thái Lan. Do đó, chúng tôi quyết định mang mô hình mono store mới nhất theo tiêu chuẩn Apple về Việt Nam và đặt tên là TopZone - cái tên do Thế Giới Di Động và Apple cùng sáng tạo ra”, ông nhấn mạnh.
TopZone cán mốc 50 cửa hàng sau gần 8 tháng. |
Để xây dựng mô hình mono store, TopZone được đầu tư cả về cơ sở hạ tầng, mặt bằng, vị trí, trang thiết bị và đào tạo đội ngũ nhân viên có chứng nhận đạt chuẩn Apple. Người đứng đầu Thế Giới Di Động cho hay: “Trong chưa đầy 8 tháng, chúng tôi đã xây dựng được 50 cửa hàng TopZone và phủ sóng trên 27 tỉnh thành tại Việt Nam. Đây là lợi thế riêng có tạo nên sự khác biệt”.
Tham vọng lớn từ nền tảng vững chắc
Dù sinh sau đẻ muộn, TopZone vẫn sở hữu nhiều “vũ khí” riêng biệt trên thị trường. Nhờ đứng trên vai “người khổng lồ” là Thế Giới Di Động đã có mặt tại Việt Nam gần hai thập kỷ, TopZone có lợi thế về bệ phóng để cạnh tranh với các đối thủ cùng ngành khi cho phép người dùng đổi trả sản phẩm, bảo hành tại hơn 2.700 điểm bán của Thế Giới Di Động và Điện máy Xanh trên toàn quốc.
Bên cạnh đó, kinh nghiệm và vị thế của Thế Giới Di Động được xem là ưu thế lớn để TopZone thu hút khách hàng, từ đó chiếm lĩnh thị trường bán lẻ sản phẩm Apple tại Việt Nam.
TopZone mang đến không gian mua sắm cao cấp cho người dùng theo tiêu chuẩn mới nhất của Apple. |
Thế Giới Di Động thống kê doanh thu nhóm hàng Apple trong năm 2020 đạt 230 triệu USD thông qua kênh bán hàng duy nhất thegioididong.com. Đến năm 2021, khi có thêm 20 cửa hàng TopZone, doanh thu của tập đoàn bán lẻ này tăng gần gấp đôi, đạt 450 triệu USD. Chỉ tính riêng tại TopZone, doanh thu hiện tại của mỗi cửa hàng giữ ở mức 6-8 tỷ đồng/tháng, có cửa hàng duy trì doanh thu 10 tỷ đồng/tháng.
Theo ước tính, tổng doanh thu của các sản phẩm “Táo khuyết” tại Việt Nam cuối năm 2023 đạt 2,2-2,5 tỷ USD. Đây là cơ sở để tập đoàn bán lẻ này kỳ vọng trong tương lai Apple sẽ xếp Việt Nam vào nhóm thị trường được quan tâm số một.
“Với 200 cửa hàng TopZone cùng hơn 3.000 cửa hàng Thegioididong.com, Thế Giới Di Động kỳ vọng doanh thu các sản phẩm Apple vào cuối năm 2023 đạt 1 tỷ USD, chiếm lĩnh 40% thị phần tại Việt Nam. Nếu tham vọng này được hiện thực hóa, Thế Giới Di Động không chỉ là kênh bán hàng có thị phần lớn nhất Việt Nam, mà còn trở thành nhà mua hàng có doanh số lớn nhất của Apple tại châu Á, một trong 50 nhà mua hàng lớn nhất thế giới của Apple”, ông Hiểu Em cho biết.
Những khách hàng may mắn trúng thưởng iPhone 13 Pro Max tại TopZone ngày 18/6. Ảnh: Phương Lâm. |
Ngày 18/6, TopZone tổ chức sự kiện cán mốc 50 cửa hàng, ghi nhận hơn 34.000 người đăng ký tham dự để có cơ hội trúng ưu đãi mua iPhone 13 Pro Max giảm giá 50%. Đặc biệt hơn cả, trong chương trình, TopZone còn dành tặng 10 chiếc iPhone 13 Pro Max cho 10 khách hàng may mắn nhất, tạo nên không khí sôi động và phấn khích tại cửa hàng TopZone APR Khánh Hội - địa điểm diễn ra sự kiện.
“TopZone muốn tạo nên những chương trình bán hàng giảm giá ‘sốc’ đúng nghĩa, nơi khách đến xếp những hàng dài để săn sale như khung cảnh mua hàng thường thấy tại các store ở Mỹ, Singapore. Thế Giới Di Động có tham vọng xa hơn là cùng TopZone thay đổi ngành bán lẻ sản phẩm công nghệ của Việt Nam, để một tương lai không xa, Apple sẽ công nhận Việt Nam là thị trường số một, khi trên thế giới ra mắt hàng mới thì mình cũng có hàng”, ông Hiểu Em kết luận.
Bình luận