"Thật sự thì mọi người ơi - ĐỪNG MUA KHẨU TRANG NỮA!", ông Jerome Adams, Tổng y sĩ Mỹ, viết trên Twitter hôm 29/2, theo New York Times.
"Khẩu trang KHÔNG hiệu quả trong việc giúp công chúng không bị lây nhiễm virus corona, nhưng nếu các nhân viên y tế không có đủ khẩu trang để chăm sóc cho bệnh nhân, điều đó sẽ khiến họ và cộng đồng gặp nguy hiểm", ông Adams nói thêm.
Khuyến cáo của ông Adams được đưa ra trong bối cảnh người dân Mỹ đang hoảng loạn tích trữ khẩu trang N95 trên các trang web mua sắm trực tuyến, dẫn tới tình trạng làm giá và xuất hiện hàng giả.
Trong dòng tweet khác, bác sĩ Adams cho rằng cách tốt nhất để bảo vệ bản thân trước virus là rửa tay thường xuyên, và những ai không cảm thấy khỏe thì nên ở trong nhà.
Người dân Mỹ bắt đầu tích trữ khẩu trang trong bối cảnh xuất hiện ca tử vong đầu tiên vì virus corona ở nước này. Ảnh: New York Times. |
Các quan chức y tế trên khắp thế giới đã kêu gọi người dân ngừng tích trữ khẩu trang nếu họ khỏe mạnh hoặc không có tiếp xúc trực tiếp với người bệnh. Nhân viên y tế - những người phải chăm sóc cho người bệnh hoặc người nghi nhiễm hàng ngày, phải thay khẩu trang liên tục - mới là những người thực sự cần nguồn cung khẩu trang.
"Có sự thiếu hụt nghiêm trọng nguồn cung các thiết bị bảo hộ y tế trên toàn cầu. Mối quan tâm hàng đầu của chúng tôi là đảm bảo các nhân viên y tế tuyến được được bảo vệ, và họ có những thiết bị bảo hộ cần thiết để thực hiện công việc của mình", Tiến sĩ Michael J. Ryan, Giám đốc điều hành chương trình y tế khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cho biết hôm 28/2.
Tiến sĩ Ryan cho biết khẩu trang chủ yếu chỉ hiệu quả trong việc ngăn người nhiễm bệnh truyền virus cho người khác.
"Có những giới hạn của chiếc khẩu trang trong việc bảo vệ bạn khỏi bị lây nhiễm. Điều quan trọng nhất mọi người có thể làm là rửa tay, tránh đưa tay lên mặt và chú ý thực hiện các biện pháp vệ sinh chính xác", ông Ryan khuyến cáo.
WHO khuyến cáo nhân viên y tế cần sử dụng khẩu trang phẫu thuật để che vùng miệng và mũi, nhưng Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) thì yêu cầu các nhân viên y tế phải đeo những chiếc khẩu trang N95 dày hơn, chặt hơn khi chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân nghi nhiễm.
Cả hai loại khẩu trang đều giúp ngăn chặn sự lây lan của những giọt dịch hô hấp khi người bệnh ho hoặc hắt hơi, nhưng các chuyên gia y tế cho rằng đối với người bình thường, chúng thường không hiệu quả vì không sử dụng đúng cách. Người ta có thể vô tình chạm vào bề mặt bên ngoài của khẩu trang khi cởi nó ra.
Một người có nhiều khả năng nhiễm virus hơn khi chạm vào các bề mặt có dính virus trên đó, thay vì các giọt dịch hô hấp bay trong không khí.