Câu chuyện 9 người đi nhờ chuyên cơ đoàn Chủ tịch Quốc hội bỏ trốn ở lại Hàn Quốc tiếp tục được đặt ra tại cuộc họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XIV, diễn ra chiều 18/10.
Báo chí đặt vấn đề dù là đi nhờ, việc 9 người này bỏ trốn đã ảnh hưởng rất lớn, vậy Quốc hội có giải pháp nào quán triệt và rút kinh nghiệm sau vụ việc này.
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc giải thích lý do ông nói từ “đi nhờ” mà không dùng từ “đi cùng” đoàn công tác của Quốc hội.
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trả lời câu hỏi của báo chí chiều 18/10. Ảnh: Minh Châu. |
Theo ông, không phải “đi cùng” bởi những người này không thuộc đoàn mà đi theo đoàn của Diễn đàn Kinh tế thương mại do Bộ KH&ĐT phối hợp với Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Hàn Quốc tổ chức.
Còn việc “đi nhờ”, theo ông Phúc, đây không phải lần đầu tiên, mà nhiều đoàn trước đây cũng từng như vậy.
Trong vụ việc vừa qua, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho hay Bộ KH&ĐT đã lập danh sách và gửi danh sách đó cho Bộ Công an để thẩm tra thân nhân từng người một, sau đó mới đưa danh sách đề nghị đến Văn phòng Quốc hội cho đi nhờ chuyên cơ.
Ngay khi nhận thông tin từ phía Hàn Quốc, ông Phúc cho biết Văn phòng Quốc hội đã kiên quyết gửi văn bản đề nghị Bộ KH&ĐT, Bộ Công an khẩn trương phối hợp với cơ quan chức năng của Hàn Quốc để trục xuất những người còn lại về nước, đồng thời lập biên bản.
“Đây là danh dự và uy tín”, ông Phúc nhấn mạnh.
Theo ông, Nhà nước luôn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được tiếp xúc, đi ra nước ngoài để tiếp cận thị trường, gặp gỡ doanh nghiệp nước ngoài tìm cơ hội làm ăn, hợp tác. Nhưng việc 9 người bỏ trốn ở lại “
Ông Phúc giải thích thêm visa của 9 người này này không phải visa ngoại giao mà do Bộ KH&ĐT kết hợp với công ty Du lịch Viettravel cấp để đi theo đoàn sang Hàn Quốc. Về biện pháp, ông Phúc nói: “Dứt khoát lần sau không cho đi nhờ nữa, chỉ có đó là biện pháp tối ưu”.
Lý giải việc không công khai danh sách, ông Phúc nói chính ông cũng không biết ai trong danh sách đoàn đó vì việc này do Bộ KH&ĐT quản lý.
Vụ việc xảy ra ngày 7/12/2018. Chín người này thuộc đoàn khách đi dự Diễn đàn đầu tư và thương mại Việt - Hàn do Bộ KH&ĐT, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam và Phòng Thương mại Công nghiệp Hàn Quốc phối hợp tổ chức.
Sau sự việc, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng Bộ KH&ĐT phải rút kinh nghiệm khi đề xuất, thẩm định danh sách và phải sự có quản lý tốt, đặc biệt sau sự việc phải tự kiểm điểm để rút kinh nghiệm. Qua xác minh, Bộ KH&ĐT cho biết một số người đã cố tình lợi dụng việc tham gia đoàn để bỏ trốn, ở lại Hàn Quốc bất hợp pháp, bỏ cả hộ chiếu lại. Toàn bộ số hộ chiếu này đã được Cục Đầu tư nước ngoài bàn giao cho các cơ quan chức năng.
Bộ KH&ĐT coi đây là bài học sâu sắc để rà soát, rút kinh nghiệm khi tổ chức đoàn doanh nghiệp đi cùng, không để lặp lại sự cố này trong các chuyến đi tiếp theo. Đồng thời khẳng định sẽ siết chặt hơn nữa quy trình tổ chức, quản lý chặt chẽ đoàn doanh nghiệp đi nước ngoài tháp tùng các lãnh đạo Đảng và Nhà nước.