“Chúng tôi sẽ làm mọi cách để kêu gọi những bên chủ chốt và cộng đồng quốc tế gây áp lực lên Myanmar để đảm bảo rằng cuộc chính biến này sẽ thất bại”, ông Guterres nói trong một cuộc phỏng vấn được Washington Post công bố.
“Hành động đó (cuộc chính biến) là điều hoàn toàn không thể chấp nhận được sau bầu cử - cuộc bầu cử mà tôi tin rằng đã diễn ra bình thường - và sau một giai đoạn chuyển đổi lớn”, tổng thư ký Liên Hợp Quốc nói.
Ông Guterres cũng yêu cầu những người bị quân đội giam giữ trong cuộc chính biến phải được trả tự do và khôi phục trật tự theo hiến pháp, Reuters đưa tin.
“Tôi hy vọng quân đội ở Myanmar hiểu rằng đây không phải là cách để cai trị đất nước và đây không phải là cách để tiến lên”, ông Guterres nói thêm.
Việc quân đội tiếp quản chính quyền ngày 1/2 làm gián đoạn quá trình chuyển đổi sang nền dân chủ của Myanmar. Mỹ và các nước phương Tây khác đã lên án động thái này.
Người Myanmar tại Nhật Bản biểu tình đòi thả bà Aung San Suu Kyi trước Đại học Liên Hợp Quốc tại Tokyo, Nhật Bản ngày 1/2. Ảnh: Reuters. |
Ngày 2/2, Anh đưa ra một dự thảo tuyên bố lên án cuộc chính biến để thảo luận tại Hội đồng Bảo an gồm 15 thành viên. Dự thảo đồng thời kêu gọi quân đội Myanmar tôn trọng pháp quyền, nhân quyền và ngay lập tức thả những người bị giam giữ.
Tuy nhiên, việc thông qua tuyên bố bị hoãn vì không có đủ sự ủng hộ của 15 nước thành viên Hội đồng Bảo an. Các nhà ngoại giao cho rằng ngôn ngữ trong tuyên bố sẽ phải bớt gay gắt để có được sự ủng hộ của Trung Quốc và Nga.
“Chúng tôi đang tiếp tục thảo luận về các bước tiếp theo của hội đồng về vấn đề ở Myanmar. Hội đồng đã đồng ý rằng điều quan trọng là chúng tôi phải có tiếng nói chung về vấn đề này”, Đại sứ Anh Barbara Woodward, người đang giữ ghế chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an, nói với các phóng viên vào ngày 3/2.