Tổng thống Ukaine Volodymyr Zelensky đến thành phố Hiroshima của Nhật Bản, nơi tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh nhóm G7. Ảnh: AP. |
AP dẫn tuyên bố của chính quyền Nhật Bản cho biết quyết định tới Hiroshima của Tổng thống Volodymyr Zelensky xuất phát từ "mong muốn mạnh mẽ" của ông là tham gia vào các cuộc thảo luận có ảnh hưởng lớn đến Ukraine.
Theo một quan chức Liên minh châu Âu (EU) giấu tên, ông Zelensky sẽ tham gia 2 cuộc họp vào ngày 20/5. Cuộc họp đầu tiên là với các quốc gia thành viên của nhóm các nền công nghiệp phát triển G7 với nội dung tập trung vào tình hình xung đột ở Ukraine.
Cuộc gặp thứ 2 sẽ bao gồm lãnh đạo của nhóm G7 cùng các quốc gia khách mời tại hội nghị, tập trung vào "duy trì hòa bình và ổn định".
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết Tổng thống Joe Biden và Tổng thống Zelensky sẽ có cuộc gặp trực tiếp tại hội nghị.
Bên cạnh vấn đề xung đột ở Ukraine, lãnh đạo các quốc gia hàng đầu thế giới đang phải đương đầu với nhiều vấn đề khó khăn tại hội nghị của nhóm G7 ở thành phố Hiroshima, bao gồm chống biến đổi khí hậu, quản lý trí tuệ nhân tạo (AI), chống đói nghèo và bất ổn kinh tế, chống phổ biến vũ khí hạt nhân.
Tổng thống Volodymyr Zelensky sẽ có cuộc gặp riêng với các nhà lãnh đạo nhóm G7 tại thành phố Hiroshima của Nhật Bản. Ảnh: AP. |
Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, đóng vai trò quan trọng trong phần lớn những vấn đề này. "Chúng tôi muốn hợp tác với Trung Quốc trong những lĩnh vực mà các bên cùng có lợi. Tuy nhiên, chúng tôi cũng phải làm việc để giải quyết những mối lo ngại về một số lĩnh vực mà Trung Quốc có liên quan", ông Sullivan cho biết.
Trong cuốn sách “Cạnh tranh địa chiến lược Nga - Mỹ: Tiếp cận từ chủ nghĩa hiện thực và trường hợp khủng hoảng Ukraine”, tiến sĩ Phan Thị Thu Dung nhận định đặt trong tổng thể cạnh tranh chiến lược Nga - Mỹ từ năm 2013 đến nay thì Ukraine là điển hình cho cạnh tranh địa chiến lược quyết liệt giữa hai cường quốc hàng đầu về quân sự trên nhiều chiến tuyến, từ an ninh, chính trị, kinh tế đến truyền thông, năng lượng.