Khi công khai nguy cơ bùng nổ xung đột tại biên giới Nga - Ukraine và đưa ra các biện pháp răn đe Nga, dường như phương Tây nghĩ đây là cách giúp Ukraine tránh khỏi một cuộc tấn công từ Moscow. Tuy nhiên, có vẻ như Kyiv không nghĩ vậy.
“Chúng tôi không cần sự hoảng loạn này”, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố hôm 28/1. “Tôi không coi tình hình bây giờ căng thẳng hơn trước. Bên ngoài sẽ có cảm giác ở đây đang có chiến tranh. Nhưng thực sự không phải vậy”.
Bất đồng giữa Mỹ và Ukraine đã tồn tại trong nhiều tuần qua. Tuy vậy, nó được xới lên vào thời điểm nhạy cảm, khi Tổng thống Nga Vladimir Putin xem xét câu trả lời của Mỹ đối với các đòi hỏi về an ninh được Moscow đưa ra trước đó.
Sự khó chịu của Ukraine
Phát ngôn thể hiện sự không hài lòng của ông Zelensky được đưa ra chỉ vài giờ trước khi tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, tiếp tục đưa ra một đánh giá tiêu cực về triển vọng tình hình Ukraine.
Theo tướng Milley, Nga đã tập trung đủ quân số và vũ khí để tấn công toàn bộ lãnh thổ Ukraine, thay vì chỉ khu vực biên giới. “Tôi nghĩ chúng ta phải quay lại những ngày Chiến tranh Lạnh để chứng kiến điều gì đó với tầm cỡ thế này”, ông nói trong một cuộc họp báo tại Lầu Năm Góc, theo New York Times.
Mỹ cảnh báo Nga đã tập trung lực lượng để tấn công toàn bộ lãnh thổ Ukraine. Ảnh: Reuters. |
Trong bối cảnh này, các cuộc đàm phán theo hình thức “bộ tứ Normandy” - gồm Nga, Ukraine, Đức và Pháp - đem lại hy vọng. Sau cuộc hội đàm giữa ông Putin và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 28/1, một quan chức cấp cao của Pháp cho biết hai nhà lãnh đạo mong muốn tiếp tục đàm phán dựa trên cơ chế này.
Hai nhà lãnh đạo cũng đồng ý tiếp tục đối thoại và “xuống thang căng thẳng”. Ông Putin cũng tuyên bố “không có kế hoạch tấn công” ở miền Đông Ukraine, theo thông tin từ phía Pháp.
Khi phương Tây chờ đợi động thái tiếp theo của ông Putin, giới chức Ukraine bày tỏ sự khó chịu với chính quyền Biden và kêu gọi các bên giữ bình tĩnh.
Một ngày sau cuộc điện đàm với ông Biden hôm 27/1, Tổng thống Zelensky tuyên bố ông cũng nhận thấy nguy cơ từ sự tập trung quân của Nga. Tuy vậy, theo ông, chính sách công khai thông tin tình báo của Mỹ sẽ có tác động tiêu cực với nền kinh tế của Ukraine. Ông bày tỏ mong muốn được thấy “sự chuẩn bị quân sự và ngoại giao thầm lặng”.
“Đã có sự trợ giúp về quân sự và tài chính. Chúng tôi biết ơn sự nỗ lực này”, ông Zelensky nói với truyền thông quốc tế. “Nhưng tôi không giống các chính trị gia biết ơn nước Mỹ chỉ vì đây là nước Mỹ”.
Trong khi đó, Thư ký Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine Oleksiy Danilov tuyên bố “sự sợ hãi là chị em của thất bại”.
“Đây là lý do chúng tôi nói với các đối tác rằng: ‘Đừng hò hét quá nhiều’”, ông Danilov nói. “Các bạn có thấy mối đe dọa không? Hãy gửi cho chúng tôi 10 máy bay chiến đấu mỗi ngày. Không phải một, mà là 10. Mối đe dọa sẽ biến mất”.
Trong những tháng qua, Mỹ là quốc gia đầu tiên đưa ra cảnh báo về sự hiện diện gia tăng của quân đội Nga ở biên giới với Ukraine. Kể từ thời điểm đó, chính quyền của Tổng thống Zelensky miễn cưỡng thừa nhận sự khẩn cấp của người Mỹ.
Hôm 27/1, Lầu Năm Góc đặt 8.500 quân Mỹ vào trạng thái “báo động cao” và có thể được gửi tới Đông Âu. Đến ngày 28/1, Tổng thống Biden cho biết ông có kế hoạch điều một số lượng nhỏ lính Mỹ đến Đông Âu trong thời gian ngắn do lo ngại về khả năng Nga tấn công Ukraine.
Binh sĩ Ukraine bên các trang thiết bị được phương Tây viện trợ tháng 12/2021. Ảnh: Reuters. |
Chưa rõ hậu quả về lâu dài của mâu thuẫn giữa Ukraine và Mỹ. Ít có khả năng các tuyên bố của ông Zelensky sẽ tác động đến sự giúp đỡ của phương Tây - cả về quân sự lẫn ngoại giao - nhằm ngăn chặn Nga tấn công Ukraine.
Tuy vậy, mâu thuẫn có thể khiến Ukraine lựa chọn phương pháp riêng để giải quyết mâu thuẫn với Nga, như cơ chế “bộ tứ Normandy” do châu Âu dẫn dắt. Đây có thể là lỗ hổng mà Nga có thể khai thác.
Hai cách đánh giá khác biệt
Giới chuyên gia chỉ ra nhiều nguyên nhân dẫn tới khác biệt giữa Ukraine và Mỹ trong cách xử lý khủng hoảng. Ukraine đã rơi vào tình trạng chiến tranh trong suốt 8 năm qua với lực lượng ly khai ở miền Đông. Trong đó, những thời kỳ chiến sự ác liệt xen kẽ với những thời kỳ tạm lắng. Người Ukraine đã coi Nga là mối đe dọa hàng ngày.
Ngoài lo ngại về kinh tế và ổn định xã hội, ông Zelensky còn có các mối quan ngại khác, theo bà Maria Zolkina, một nhà phân tích chính trị tại Kyiv.
“Khi dự tính cuộc tấn công càng nghiêm trọng, Ukraine càng dễ bị buộc phải nhượng bộ Nga để giảm căng thẳng”, bà Zolkina nói.
Một mâu thuẫn khác giữa Ukraine và phương Tây là cách đánh giá thông tin tình báo. Cơ quan tình báo Mỹ và Anh có thể có nhiều thông tin hơn về các bước chuyển quân của Nga, nhưng người Ukraine hiểu rõ hơn về bối cảnh của chúng.
Trong bài phát biểu của mình, ông Zelensky dường như cũng có suy nghĩ này.
“Nếu bạn chỉ nhìn vào vệ tinh, bạn sẽ thấy quân số gia tăng, nhưng không thể đánh giá đây là mối đe dọa tấn công hay chỉ là sự chuyển quân thông thường”, ông Zelensky nói. “Những chuyên gia của chúng tôi nhìn sâu hơn vào vấn đề này”.
Các quan chức Ukraine cũng chỉ trích gay gắt quyết định rút bớt nhân viên đại sứ quán của Mỹ, Anh và một số quốc gia khác. Ông Zelensky chỉ ra Hy Lạp thậm chí không rút nhân viên khỏi một lãnh sự quán gần tiền tuyến ở miền Đông, “nơi có thể nghe thấy tiếng súng”.
“Các nhà ngoại giao nên là những người cuối cùng rời khỏi con tàu đắm. Tôi cũng không nghĩ nơi đây là tàu Titanic”, ông Zelensky tuyên bố.
Tổng thống Ukraine nhiều lần bày tỏ sự không hài lòng với phản ứng "quá mức" của Mỹ và phương Tây. Ảnh: CNN. |
Sự chia rẽ giữa Mỹ và Ukraine càng thêm trầm trọng khi ông Biden cho biết một cuộc “xâm nhập quy mô nhỏ” của Nga vào Ukraine có thể không gây ra phản ứng mà Mỹ đã hứa khi có một cuộc tấn công toàn diện.
“Chúng tôi muốn nhắc nhở các cường quốc rằng không có ‘xâm nhập quy mô nhỏ’ hay nước nhỏ”, ông Zelensky phản ứng trên Twitter.
Bài đăng của tổng thống Ukraine làm mếch lòng cả các đồng minh của nước này tại Washington. Một nghị sĩ giấu tên cho biết người Mỹ khá “bực tức” và nhận định ông Zelensky không có được cố vấn tốt về quan hệ với Washington.
Moscow dường như cũng nhận ra sự mâu thuẫn giữa hai “đối thủ” của mình.
“Giờ đây, người Mỹ bắt đầu sử dụng Ukraine để chống Nga một cách rõ ràng, đến mức chính quyền Kyiv cũng cảnh giác”, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói hôm 28/1.