Theo Reuters, sau khi Tổng thống Trump đe dọa cấm cửa TikTok tại Mỹ, CEO Microsoft Satya Nadella đã gọi điện cho ông chủ Nhà Trắng để tìm cách cứu vãn thương vụ mua đứt ứng dụng Trung Quốc. Giới quan sát nhận định ông Trump đang đóng vai trò "trung gian" trong thỏa thuận mua lại lớn nhất của Microsoft kể từ hợp đồng thôn tính LinkedIn với giá 26 tỷ USD hồi năm 2016.
Sau cuộc trao đổi giữa CEO Nadella và ông Trump, Microsoft thông báo sẽ tiếp tục đàm phán với ByteDance và các cuộc thảo luận sẽ sớm kết thúc, muộn nhất là trước ngày 15/9. Tập đoàn 1.550 tỷ USD khẳng định nếu thương vụ mua lại thành công, hãng đảm bảo sẽ chuyển toàn bộ dữ liệu người dùng Mỹ trên TikTok về hệ thống máy chủ tại Mỹ.
Trên thực tế, các thương vụ mua bán - sáp nhập có yếu tố nước ngoài tại Mỹ thường lọt vào "tầm ngắm" của Ủy ban Đầu tư nước ngoài (CFIUS). Hiện ủy ban này đang điều tra vụ ByteDance mua lại ứng dụng Musical.ly hồi năm 2017 và sáp nhập vào TikTok.
Và khi công ty nước ngoài kháng cự sự can thiệp của CFIUS, tổng thống Mỹ sẽ lên tiếng. Hồi năm 2012, Ralls Corp thuộc sở hữu của công ty Trung Quốc Sany Group mua lại các trang trại điện gió ở Oregon. Tổng thống Barack Obama buộc Ralls phải rút vốn tại các trang trại này. Đồng thời, công ty này cũng phải tháo dỡ các thiết bị đã lắp đặt tại đây.
Bán TikTok cho Microsoft là lựa chọn tốt nhất đối với ByteDance. Ảnh: Getty Images. |
Vụ việc đó cho thấy tổng thống Mỹ có tiếng nói quyết định trong các thương vụ mua bán - sáp nhập có yếu tố rủi ro về an ninh. Chính quyền Tổng thống Trump từng vài lần can thiệp tương tự. Hồi tháng 3, ông Trump yêu cầu Beijing Shiji Information Technology của Trung Quốc bán hãng phần mềm quản lý khách sạn StayNTouch.
Năm 2018, Ant Financial của Alibaba buộc phải từ bỏ kết hoạch mua lại MoneyGram với giá 1,2 tỷ USD. Doanh nghiệp Trung Quốc sở hữu Grindr cũng nhận lệnh phải bán sau khi mua ứng dụng hẹn hò dành cho người đồng tính hồi năm 2016.
Căng thẳng Mỹ - Trung leo thang cũng ảnh hưởng tới các thương vụ mua bán - sáp nhập khác. Nguồn tin Reuters cho biết mới đây, hai công ty Trung Quốc được doanh nghiệp Trung Quốc khác hỏi mua, nhưng quyết định bán lại cho nhà đầu tư Mỹ với mức giá thấp hơn nhằm tránh sự "soi mói" của CFIUS.
New York Times dẫn lời nhà phân tích Alex Stamos của Stanford Internet Observatory nhận định bán TikTok cho Microsoft là lựa chọn tốt nhất của ByteDance. Bởi nếu quyết giữ TikTok, công ty Trung Quốc sẽ đối mặt với vô số rào cản do chính quyền Tổng thống Trump lập ra.
Ví dụ, ông chủ Nhà Trắng có thể cấm TikTok xuất hiện trên các kho ứng dụng của Mỹ. Hoặc ông sẽ cấm doanh nghiệp Mỹ bán hàng hóa và dịch vụ cho ByteDance. Khi đó, ByteDance không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc rút TikTok ra khỏi Mỹ.