Tổng thống Donald Trump ngày 30/7 bất ngờ kêu gọi hoãn bầu cử năm 2020 "cho đến khi người dân có thể bỏ phiếu đúng cách, an toàn và an ninh".
Viện dẫn lo ngại về gian lận bầu cử nếu tổ chức bỏ phiếu theo hình thức gửi thư, Tổng thống Donald Trump cảnh báo bầu cử năm 2020 "sẽ trở thành cuộc bầu cử thiếu chính xác và gian lận nhất trong lịch sử".
Ông nói "điều đó sẽ là nỗi hổ thẹn vĩ đại đối với Mỹ" và kêu gọi "hoãn bầu cử đến khi mọi người có thể bỏ phiếu đúng cách, an ninh và an toàn". Nhà lãnh đạo Mỹ dùng ba dấu chấm hỏi đặt sau lời kêu gọi này.
Dù Tổng thống Trump đã nổi tiếng về sự khó lường, song theo Guardian, việc một tổng thống Mỹ đương nhiệm dùng những từ ngữ như cách của ông Trump để mô tả bầu cử Mỹ, rồi ám chỉ Mỹ không thể tổ chức bầu cử một cách an toàn, là "chưa từng có tiền lệ".
Tổng thống Trump bất ngờ kêu gọi hoãn bầu cử Mỹ trên Twitter. |
Theo Reuters, tuyên bố của ông Trump đặc biệt gây tranh cãi vì ngày tổ chức bầu cử đã được quy định rõ trong chính hiến pháp Mỹ. Đây cũng không phải lần đầu tiên ông Trump đề cập về nghi vấn gian lận bỏ phiếu qua hình thức gửi thư mà không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào.
Theo CNN, chính phủ Mỹ và cá nhân Tổng thống Trump không có quyền hoãn bầu cử. Hiến pháp Mỹ quy định quốc hội là cơ quan có quyền ấn định ngày bầu cử.
Nhiều bang Mỹ đang hướng đến hình thức bỏ phiếu qua thư vì tình hình đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Trong khi đó, Tổng thống Trump liên tục tìm cách hạ thấp phương pháp này. Theo Washington Post, ông đã ít nhất 70 lần công kích các mô hình bỏ phiếu này kể từ cuối tháng 3 thông qua phỏng vấn, tuyên bố cá nhân và đăng tải trên mạng xã hội. Riêng trong tháng 7, ông đã có 17 lần công kích phương án bỏ phiếu qua đường bưu tín.
Theo New York Times, Nhà Trắng từng nói Tổng thống Trump không có ý định thay đổi ngày bầu cử, vốn được ấn định là 3/11.
Tuy nhiên, một số đồng minh và cố vấn hàng đầu của ông thời gian qua đã bắt đầu đề cập đến khả năng này. Ông Trump cũng từng nhận định phương pháp gửi phiếu bầu qua đường bưu tín khiến đảng Cộng hòa thất thế. Trong các cuộc bầu cử sơ bộ, những bang dùng mô hình này cho thấy số người bỏ phiếu tham gia lớn hơn những bang buộc cử tri phải trực tiếp đến điểm bầu cử, theo Viện Bỏ phiếu tại Nhà Quốc gia.