Phát biểu trong hội thảo trực tuyến của Viện Brookings về "tầm ảnh hưởng gia tăng và chiến lược của Trung Quốc ở khu vực", bà Lisa Curtis, Giám đốc cấp cao đặc trách Nam và Trung Á tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, chỉ ra một loạt quốc gia có chung biên giới hoặc gần Trung Quốc - bao gồm Ấn Độ, Bangladesh, Nepal và Bhutan - những nơi mà Mỹ đang tăng cường quan hệ kinh tế và quân sự.
"Mỹ sẵn sàng chấp nhận rủi ro nhiều hơn trong mối quan hệ (Mỹ - Trung) và tôi nghĩ mỗi bên sẽ phải làm quen với những đường hướng mới sẽ điều chỉnh chính sách của Mỹ tại khu vực trong thời gian tới", bà Curtis nói, theo South China Morning Post.
Bà Lisa Curtis, Giám đốc cấp cao đặc trách Nam và Trung Á tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ. Ảnh: Twitter/Embassy_of_AFG. |
"Tôi chủ yếu làm việc về Nam và Trung Á, và tôi nghĩ ý nghĩa của chuyện tôi nói ở trên là mối quan hệ đối tác Mỹ - Ấn ngày càng sâu sắc, thừa nhận cam kết rằng cả hai nước phải có một khu vực tự do, mở, minh bạch ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và bạn sẽ thấy nhiều hơn việc tập trung xây dựng mối quan hệ đó, cũng như việc đảm bảo các quốc gia khác ở Nam và Trung Á có thể bảo vệ chủ quyền của họ", bà nói.
Bà Curtis chỉ ra hợp đồng vũ khí 3 tỷ USD, trong đó Ấn Độ mua 24 máy bay trực thăng MH-60 Romeo Seahawk và 6 máy bay trực thăng tấn công AH-64E Apache từ Mỹ, và thỏa thuận tăng cường tham vấn bốn bên với Australia và Nhật Bản, "hòn đá tảng" trong chiến lược của ông Trump tại khu vực.
Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của chính quyền Trump bao trùm khu vực rộng lớn trải dài từ Nam Á đến bờ biển Thái Bình Dương của Mỹ. Bắc Kinh xem đây là nỗ lực tập hợp các cường quốc khu vực như Ấn Độ và Nhật Bản để chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc ở khu vực.
Cuộc đụng độ biên giới gần đây giữa Ấn Độ với Trung Quốc đã cho thấy rõ các quốc gia này, cũng như các nước khác trong khu vực, đã trở nên vỡ mộng đến mức nào với chiến lược hội nhập chặt chẽ hơn của Bắc Kinh, bà Curtis nói.
Ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ đã thiệt mạng khi quân đội Trung Quốc và Ấn Độ đụng độ ở thung lũng Galwan vào tháng trước. Đây là cuộc đụng độ nhiều thương vong nhất giữa hai nước tại vùng núi cao biên giới trong nhiều thập kỷ và dẫn đến một loạt hoạt động ngoại giao để cố gắng xoa dịu căng thẳng.
Nhiều ý kiến của bà Curtis giống quan điểm của ông David Helvey, quyền Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng về các vấn đề an ninh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trong một bài viết cho South China Morning Post tháng này, ông nói thách thức mà Trung Quốc tạo ra cho trật tự quốc tế dựa trên luật lệ sẽ là một "cuộc đua marathon", không phải "chạy nước rút".
"Cùng nhau, chúng ta phải kiên cường khi đối mặt với thách thức lâu dài này bằng cách tiếp tục duy trì và đại diện cho các nguyên tắc cốt lõi như tôn trọng chủ quyền, minh bạch, giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, và tự do hàng hải, hàng không", ông Helvey viết.
Bà Curtis cũng bám sát chủ đề chính của bài phát biểu gây xôn xao của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo về chính sách với Trung Quốc vào tuần trước.
Bà cho rằng cuộc đụng độ biên giới Trung - Ấn và "bẫy nợ" trong các dự án thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường "phù hợp với mô thức gây hấn rộng lớn hơn của Trung Quốc tại các khu vực khác trên thế giới".
Ông Pompeo đã kêu gọi xây dựng liên minh mới bao gồm "các quốc gia cùng chí hướng" để chống lại Trung Quốc.
Cáo buộc Bắc Kinh "bán vũ khí giá rẻ và xây dựng căn cứ cho các tàu ngầm thời thập niên 1970 mà họ đã bán cho Hải quân Bangladesh vào năm 2016", bà Curtis cũng cam kết phát triển quan hệ mạnh mẽ hơn với Dhaka.
"Chúng tôi sẽ hết lòng với thành công lâu dài của Bangladesh vì lợi ích của Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương phụ thuộc vào một Bangladesh có hòa bình, an toàn, thịnh vượng, lành mạnh và dân chủ", bà Curtis nói.