Ranjith Madduma Bandara, quan chức hàng đầu của Lực lượng Nhân dân Thống nhất đối lập, cho biết các cuộc thảo luận riêng biệt đã được tổ chức với những đảng khác và với các nhà lập pháp tách khỏi liên minh cầm quyền của Tổng thống Gotabaya Rajapaksa.
Nhiều cuộc họp tiếp theo cũng được lên kế hoạch. Tuy nhiên, ông không cho biết khi nào một thỏa thuận có thể đạt được, theo AP.
Trước đó, M. A. Sumanthiran, một nhà lập pháp đối lập khác, cho biết khi tất cả đảng đối lập kết hợp lại, họ có thể dễ dàng có được 113 ghế để chiếm đa số trong quốc hội. Vào thời điểm đó, họ có thể yêu cầu ông Rajapaksa thành lập chính phủ mới và sau đó từ chức.
Người biểu tình tạo dáng chụp ảnh khi vào được dinh thự của Tổng thống Gotabaya Rajapaksa. Ảnh: AP. |
Hôm 9/7, Thủ tướng Ranil Wickremesinghe cho biết ông sẽ rời nhiệm sở khi chính phủ mới được thành lập. Vài giờ sau đó, chủ tịch quốc hội Sri Lankanói rằng Tổng thống Gotabaya Rajapaksa sẽ từ chức tổng thống vào ngày 13/7.
Áp lực đối với cả hai vị lãnh đạo của nước này ngày càng lớn khi suy thoái kinh tế gây ra tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng các mặt hàng thiết yếu. Tình trạng trên khiến người dân phải chật vật xoay xở để tìm kiếm thực phẩm, nhiên liệu và các nhu cầu thiết yếu khác.
Theo hiến pháp Sri Lanka, nếu cả tổng thống và thủ tướng đều từ chức, Chủ tịch Quốc hội Mahinda Yapa Abeywardena sẽ đảm nhận cương vị tổng thống tạm thời.
Tổng thống Rajapaksa đã bổ nhiệm ông Wickremesinghe làm thủ tướng vào tháng 5. Thủ tướng Wickremesinghe được kỳ vọng sẽ giải quyết tình trạng khủng hoảng và đưa ra giải pháp phục hồi nền kinh tế.
Ông Wickremesinghe đã tham gia các cuộc đàm phán quan trọng với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về gói cứu trợ và đàm phán với Chương trình Lương thực Thế giới (FAO) để chuẩn bị cho kịch bản của một cuộc khủng hoảng lương thực.
Các nhà phân tích cho rằng không có nhà lãnh đạo mới nào có thể làm được nhiều hơn ông Wickremesinghe. Những nỗ lực của chính phủ của Thủ tướng Wickremesinghe cho thấy nhiều hứa hẹn khi ông mang về cho Sri Lanka đơn hàng khí đốt giữa khủng hoảng và đảm bảo phân bón cho nông dân trong mùa vụ tới.
Những người biểu tình đã đột nhập vào tư dinh của thủ tướng và phóng hỏa trong hôm 9/7. Một quan chức cho biết Thủ tướng Wickremesinghe đã ở bên trong khi những người biểu tình tụ tập nhưng các nhân viên an ninh sau đó đã đưa ông đến một địa điểm khác.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho hay Washington đang theo dõi những diễn biến ở Sri Lanka. Ông cũng kêu gọi quốc hội nước này làm việc nhanh chóng để tìm ra các giải pháp và giải quyết sự bất bình của người dân.